Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

TÌNH YÊU NƠI CON NGƯỜI VÀ TÌNH YÊU NƠI THÁNH THỂ

  •  Tình yêu nơi con người
          Ở đời ai cũng muốn được yêu, được người khác yêu mình và mình được yêu người khác. Không ai có thể ngăn cản được tình yêu, có cấm cách có chia lìa, có đau khổ có nước mắt, có tủi nhục, có cực hình ... cũng không thể tẩy xóa tình yêu ra khỏi cuộc đời này. Tình yêu vẫn thế, vẫn cứ hiện hữu trên địa cầu, tình yêu vẫn vậy, vẫn mãi có mặt trong cuộc sống và xã hội con người.
          Tại sao tình yêu lại có sức mạnh trường tồn như vậy? Bời vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu"[1]

          Chính vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, và con người được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa[2]. Cho nên tình yêu nó cứ vĩnh cữu trong xã hội loài người là như thế. Nhờ sức mạnh và sự trường tồn của tình yêu, đã làm cho nó trở thành yếu tố nền tảng của một đời sống hạnh phúc. Nghĩa là một đời sống hạnh phúc không thể vắng bóng tình yêu[3].
          Khó có thể định nghĩa được tình yêu, vì tình yêu nơi mỗi người mang dáng dấp và sắc thái khác nhau, nó có tính đặc trưng độc đáo của người đó. Ví dụ: hai người thanh niên cùng yêu một cô gái, nhưng khi bày tỏ tình yêu đối với cô gái, chắc chắn hai người sẽ có cách thức khác nhau và lý do yêu cô gái cũng không giống nhau.
          Không định nghĩa được tình yêu, nhưng hoàn toàn có thể phân loại được tình yêu dựa vào lý do yêu. Những lý do để yêu có rất nhiều như: sắc đẹp, đạo đức, tri thức, thánh thiện, nghề nghiệp, địa vị, tiền bạc, danh vọng, chức quyền, hợp nhãn, hợp gu, hợp tính hợp tình ... muôn vàn lý do để yêu. Nếu đặt tên cho tình yêu dựa vào những lý do yêu, có thể gọi tên tình yêu là TÌNH YÊU NẾU và TÌNH YÊU VÌ.
          TÌNH YÊU NẾU: Nếu con ngoan mẹ sẽ yêu con. Nếu em ít nói anh sẽ yêu em. Nếu anh thành đạt em sẽ yêu anh ... Xét cho cùng loại tình yêu này đặt khởi điểm là những điều kiện. Cho nên tình yêu lớn dần và tỉ lệ thuận với điều kiện. Điều kiện càng được thỏa mãn cao, tình yêu càng mạnh. Nhưng một khi điều kiện giảm dần, tình yêu cũng sẽ giảm tỉ lệ thuận theo điều kiện bị giảm. Vì thế khi điều kiện bị phá vỡ, tình yêu cũng sẽ đứng trước nguy cơ đỗ vỡ.
          Chính vì khởi điểm từ những điều kiện, cho nên “tình yêu nếu” là loại tình yêu tạo ra áp lực và sự bất an nơi người yêu và người được yêu. Áp lực là vì người yêu luôn đi tìm những điều kiện đạt chỉ tiêu đặt ra thì mới yêu. Còn nơi người được yêu thì cứ phải không ngừng phấn đấu để đạt được chuẩn của điều kiện người yêu đặt ra. Chính vì áp lực mà tạo ra sự bất an, cũng chính vì lo sợ điều kiện bị giảm thiểu, tăng cao hay phá vỡ mà bất an cũng sinh ra từ đó.
          Nếu nhìn vào mặt tích cực, “tình yêu nếu” có vai trò thúc đẩy sự hoàn thiện ở nơi con người. Nhưng với điều kiện: điều kiện được đặt ra trong “tình yêu nếu” phải là điều kiện tích cực. Ví dụ: thánh thiện, đạo đức, nhân từ, hiền lành, chân thật, liêm chính, trong sạch, chung thủy ... Nhưng cho dù điều kiện được đặt ra có tích cực đi chăng nữa, thì loại “tình yêu nếu” vẫn là tình yêu mang lại sự bất an do bởi áp lực mà nó tạo ra.
          Nếu “Tình yêu nếu” được nhân rộng ra xã hội, nghĩa là tình yêu thương giữa người với người (không còn giới hạn giữa một đôi nam nữ nữa) nó sẽ tạo ra nhiều nguy cơ tiêu cực (nếu không nói là những tệ nạn), dù cho điều kiện được đặt ra là tốt. Sở dĩ nó tạo ra tiêu cực là vì người ta khó lòng kiểm soát được việc thực hiện để đạt được những điều kiện đã đặt ra.
Ví dụ: điều kiện được đặt ra là đạo đức, nhưng để đạt được sự đạo đức người ta có thể trá hình, giả đạo đức mà không phải là đạo đức thật sự. Hoặc cũng có thể người ta dùng mọi cách thức (kể cả phương tiện xấu, cách thức xấu) để tạo nên sự đạo đức cho mình, nếu là như thế thì điều kiện đạo đức là không còn đạo đức nữa rồi.
          TÌNH YÊU VÌ: Anh yêu em vì em xinh đẹp. Em yêu anh vì anh thật tốt với em. Ba thương con vì con nghe lời ba ... Khác với “tình yêu nếu”, “tình yêu vì” được bắt đầu từ những điều kiện đã có sẵn. Cho nên mức độ áp lực trong tình yêu là rất nhỏ (thậm chí là không có), bởi vì người ta không cần phấn đấu để đạt chuẩn của điều kiện, trái lại sự thoải mái về mặt tâm lý là điều tất nhiên.
          Hơn nữa vì đã có sẵn điều kiện đạt yêu cầu, cho nên dễ dàng đón nhận nhau mà không phải đòi hỏi nhiều nơi đối tượng mình yêu. Tuy nhiên “tình yêu vì” lại dễ làm cho con người rơi vào tình trạng ganh đua, so kè, thậm chí là ganh ghét nhau và lo sợ. Tôi đẹp, tôi đạo đức, tôi giỏi, tôi dễ thương dễ mến, tôi giàu có, tôi có địa vị ... nhưng nếu có người khác đẹp hơn, đạo đức hơn, giỏi hơn, dễ thương dễ mến hơn, giàu hơn, địa vị hơn ... ngay lập tức sẽ có sự so sánh giữa tôi và người. Vì thế mà sự lo sợ sẽ xuất hiện, lo vì người khác hơn tôi, sợ vì có thể tôi không còn được yêu nữa vì tôi không đẹp, không đạo đức, không dễ thương ... bằng người kia.
          Trong “tình yêu vì” con người dễ đón nhận nhau, nhưng cũng dễ chia lìa và nhạt nhòa theo thời gian theo năm tháng, mỗi khi xuất hiện đối tượng khác có những điều kiện tốt hơn, vượt hơn. Cho nên “tình yêu vì” không có sự đảm bảo bền vững. Nó có thể đỗ vỡ bất cứ lúc nào, cũng như luôn đặt con người sống trong sự lo sợ. Điều này hoàn toàn trái với lời dạy của thánh Gioan: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo”[4]
          Nhìn vào xã hội và đời sống con người, “tình yêu nếu” và “tình yêu vì” nhan nhãn và tràn ngập khắp nơi. TÌNH YÊU NẾU thì tạo ra áp lực và sự bất an. Còn TÌNH YÊU VÌ lại đẩy con người đến ganh ghét và lo sợ. Vậy thử hỏi tình yêu nào nơi con người được gọi là hoàn hảo và chân thật? Có hay không một tình yêu hoàn hảo và chân thật nơi con người? Trước khi trở lại với vấn đề vừa nêu, chúng ta thử tìm hiểu tình yêu nơi Thánh Thể là tình yêu gì?
  •  Tình yêu nơi Thánh Thể
          Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là minh chứng cụ thể và sống động cho tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua Người Con là Chúa Giê-su. Tình yêu nơi cuộc khổ nạn là tình yêu không có điều kiện. Bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương con người từ khi con người còn là tội nhân.
          Để tiếp tục tình yêu này và nhất là cho con người được tham dự vào cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể để tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Người và truyền lệnh cho các tông đồ là những tư tế của Giao Ước Mới, cử hành bí tích này cho đến tận thế[5]. Cho nên Thiên Chúa là tình yêu thì Thánh Thể cũng là tình yêu. Tình yêu ở nơi Thiên Chúa thì tình yêu cũng ở nơi Thánh Thể.
          Có thể gọi tên tình yêu nơi Thánh Thể được hay không? Hoàn toàn có thể gọi tên được. Thánh Luca viết trong Tin Mừng: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”[6]. Vậy theo thánh Luca ta có thể gọi tình yêu nơi Thánh Thể là TÌNH YÊU TỰ HIẾN.
Ở đây khi suy nghĩ về “tình yêu tự hiến” nơi Thánh Thể, xin được đổi tên là TÌNH YÊU MẶC DẦU. Gọi là “Tình yêu mặc dầu” bởi vì đây là tình yêu không có lý do, không đòi hỏi, không điều kiện, tình yêu có trước những lý do và điều kiện. Mặc dầu con người tội lỗi nhưng Chúa vẫn yêu thương con người. Mặc dầu con người thường phản bội Chúa nhưng Chúa vẫn trung thành yêu thương con người. Mặc dầu con người không xứng đáng với Thánh Thể nhưng Chúa vẫn tự hiến thân nơi Thánh Thể cho con người. Mặc dầu con người là phàm nhân tội lỗi nhưng Chúa vẫn cho tham dự vào Thánh Thể qua cử hành Thánh Lễ , cũng như được vinh hạnh đón nhận Thánh Thể vào cung lòng con người qua rước lễ.
          Trong suốt cuộc đời của Chúa Giê-su không bao giờ nghe Chúa nói tình yêu gắn với chử NẾU hoặc chử VÌ: ta sẽ yêu con nếu con trở nên tín đồ của ta, hoặc: ta yêu con vì con là môn đệ của ta. Tìm hết trong kinh thánh Tân Ước không thấy nơi nào Chúa nói như vậy. Trái lại cho đến giây phút cuối đời, Chúa Giê-su vẫn không buông tha việc yêu thương con người, mặc dầu yêu thương con người không mang lại lợi lộc gì cho Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”[7]
          “Tình yêu mặc dầu” nơi Thánh Thể luôn đặt đối tượng được yêu (con người) lên hàng đầu. Nói cách khác: Chúa yêu con người hơn cả việc Chúa yêu bản thân Chúa[8]. Chính vì không có một đòi hỏi, một yêu cầu nào nơi người được yêu (con người) cho nên “tình yêu mặc dầu” không bao giờ tạo ra áp lực và bất an, cũng không bao giờ tạo ra ganh ghét và lo sợ theo kiểu “tình yêu nếu” và “tình yêu vì” nơi con người.
          Không đòi hỏi, không lý do, không yêu cầu. Vậy “tình yêu mặc dầu” nơi Thánh Thể có phải là tình yêu thiếu trách nhiệm, hay yêu theo kiểu mù quáng hay không? Hoàn toàn không. Bởi vì “tình yêu mặc” dầu nơi Thánh Thể là lời mời gọi[9]. Mời gọi phản tỉnh, mời gọi được chữa lành và mời gọi được sống.
  •  Mời gọi phản tỉnh
          Có bao giờ ai đó yêu bạn, luôn đối xử tốt với bạn và không đòi hỏi một điều kiện gì ở nơi bạn, vậy mà lúc nào bạn cũng đối xử tệ bạc với người đó. Liệu rằng bạn có đủ can đảm xử sự theo kiểu như vậy mãi được không? Chắc chắn rằng không. Đến môt lúc lương tâm sẽ réo gọi, thúc giục bạn lấy sự tốt đẹp mà đối lại sự tốt lành họ dành cho bạn.
          Vì thế “Tình yêu mặc dầu” phản tỉnh cho con người về sự hoàn thiện. Chúng ta không thể rước lễ khi đang mắc tội trọng, cũng không thể rước lễ khi nguội lạnh không có lòng ước ao và thiếu sự hy sinh (giữ chay một giờ trước khi rước lễ)[10]. Cho nên “tình yêu mặc dầu” nơi Thánh Thể mời gọi sự ý thức cách tự nguyện nơi con người. Ý thức thay đổi đời sống sao cho phù hợp khi đón rước Thánh Thể ngự vào cung lòng. Ý thức về tình huynh đệ (theo cách nói của thánh Phao-lô gọi là Đồng Bàn)[11].
Khó có thể chấp nhận một cộng đoàn tín hữu vừa mới cùng nhau cử hành Thánh Lễ, cùng được rước Thánh Thể, cùng được hiệp thông với Chúa Ki-tô, để tất cả trở nên một thân thể duy nhất[12], nhưng sau đó lại thù ghét nhau, xỉ vả chỉ trích, chia rẻ hoặc mất đoàn kết. Trái lại luôn mời gọi đẩy xa những gì là bất hòa chia rẻ ... để cùng nhau nhận lãnh một sứ điệp là thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống, là mang Chúa đi vào đời[13].
Và thiết nghĩ trên hết, “tình yêu mặc dầu” nơi Thánh Thể phản tỉnh cho con người về những thái độ vô ơn hoặc lãng quên đối với Thiên Chúa. Điều này dễ nhận ra khi cử hành Thánh Lễ, trước khi truyền phép Hội Thánh nhắc lại và dâng lên Chúa Cha trong kinh tiền tụng những tâm tình cần có như: cảm tạ và ngợi khen của con người, trước muôn vàn ân huệ mà Chúa đã sáng tạo cứu chuộc và thánh hóa nhân loại[14].
  •  Mời gọi được chữa lành
          Lời mời gọi được chữa lành nơi Thánh Thể không giống với lời mời gọi được chữa lành nơi bí tích Hòa Giải. Nơi bí tích Hòa Giải, chữa lành là việc con người được tha tội, được làm hòa với Chúa và Hội thánh[15]. Trong khi đó nơi Thánh Thể, chữa lành lại được nhìn ở việc con người được cùng với Chúa Ki-tô dâng lễ vật là Chúa Ki-tô lên Chúa Cha, và nhờ việc tiến dâng của lễ này mà con người đền bù được tội lỗi của người sống và kẻ chết, cũng như được tẩy xóa các tội nhẹ[16].
          Có thể nói: chữa lành nơi bí tích hòa giải là con người xin được “bắt tay” Thiên Chúa để làm hòa. Còn chữa lành nơi Thánh Thể lại đi vào chiều sâu thâm tình hơn. Đó là việc con người được vinh dự “tặng quà” cho Thiên Chúa, quà tặng đó chính là của lễ dâng tiến là Chúa Ki-tô. Vì thế sẽ mất đi nhiều ý nghĩa chữa lành nếu một khi đời sống giữa người với người cứ liên tục gây thương tích cho nhau cách này hay cách khác (lời nói, việc làm, suy nghĩ ...) mà lại có thể đi xin sự chữa lành ở nơi Thánh Thể. Nói cách khác: không thể cùng lúc bàn tay con người vừa gây thương tích cho anh em mình, lại có thể đến tặng quà cho Thiên Chúa, mà lại có thể làm cho Chúa vui lòng được.
          Trong ý nghĩa chữa lành này, tình yêu nơi Thánh Thể không phải chữa lành theo kiểu: có bệnh chữa cho cho hết bệnh, có tội tẩy cho sạch tội ... không phải chữa theo kiểu này, nhưng là chữa lành bằng cách thần hóa (thánh hóa) con người. Nghĩa là làm cho con người ngày một trở nên giống Chúa nhiều hơn, yêu thương như Chúa yêu thương, suy nghĩ như Chúa suy nghĩ. Tin Mừng thánh Gioan viết: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.”[17] Với cách nói của thánh Gioan, lời mời gọi cao quí nhất của tình yêu nơi Thánh Thể phải là lời mời gọi được sống.
  •  Mời gọi được sống
          “Tình yêu mặc dầu” nơi Thánh Thể diễn tả mạnh mẽ nhất lời mời gọi được sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”[18]. Con người hoàn toàn bất xứng trước mặt Chúa, chứ đừng nói chi đến việc được đón tiếp Chúa, được được cầm lấy Mình Thánh Máu Thánh Chúa mà ăn mà uống để được sự sống thần linh. Cho nên lời mời gọi này diễn tả tình yêu Thánh Thể dành cho con người thật lớn lao không gì có thể so sánh được.
Chỉ có tình yêu không đặt trên điều kiện, không toan tính thiệt hơn, không nghĩ đến bản thân vị thế của mình, không sợ mình phải hao mòn, không sợ thiệt thân ... mới có thể đưa ra lời mời gọi vĩ đại đến như thế. Đứng trước lời mời gọi, con người hoàn toàn có sự tự do khước từ hoặc chấp nhận. Chấp nhận để Thánh Thể nuôi dưỡng thì được sự sống đời đời, còn trái lại khi khước từ Thánh Thể nghĩa là khước từ tình yêu nơi Thánh Thể, là khước từ sự sống vĩnh cữu mà nhận lấy sự chết và đau khổ đời đời.
Cho nên có thể nói: lời mời gọi lớn nhất, quan trọng nhất, ưu tiên nhất mà Chúa gởi đến cho con người, là lời mời gọi được thông phần vào sự sống của Chúa. Còn những lời mời gọi khác như: tha thứ, yêu thương, quảng đại, chia sẻ, phục vụ, công bình, tiết độ, khôn ngoan, can đảm ... là những lời mời gọi được sinh ra, kéo theo từ lời mời gọi thông phần vào sự sống thần linh của Chúa mà thôi.
Khi có được sức sống và sự sống của Chúa, con người cũng sẽ có được đời sống bác ái huynh đệ, yêu thương quảng đại chia sẻ ... Sẽ khó có đời sống tha thứ, yêu thương, chia sẻ hay phục vụ ... nếu không có sức sống và sự thúc đẩy của Chúa. Vì thế mà bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Ki-tô hữu[19]. Cho nên tất cả mọi kiểu tình yêu, mọi loại tình yêu, mọi hoạt động, mọi suy nghĩ cũng như những sáng kiến và mọi việc làm nơi con người, đều phải gắn liền và qui hướng vào tình yêu nơi Thánh Thể - TÌNH YÊU MẶC DẦU.
Trở lại với vấn đề được nêu ra trong phần trình bày về tình yêu nơi con người: có hay không một tình yêu hoàn hảo và chân thật nơi con người? Sự thật là có tình yêu chân thật và hoàn hảo nơi con người. Tình yêu đó là TÌNH YÊU MẶC DẦU theo kiểu tình yêu nơi Thánh Thể. Nhưng để có được kiểu “Tình yêu mặc dầu” đòi hỏi sự cố gắng thay đổi nhãn quan về cuộc sống rất lớn nơi bản thân con người.
Đòi con người dẹp bỏ những lợi ích chóng qua, mà chọn lấy lợi ích dài lâu vĩnh cữu. Cũng như tha nhân phải được đặt lên trước bản thân cá nhân (cái tôi phải nhỏ lại). Mặc dầu em không xứng đáng với anh nhưng anh vẫn yêu em. Mặc dầu nhiều lần em đã xúc phạm và phản bội nhưng anh vẫn yêu thương tha thứ và mãi chung thủy với em.
Chỉ khi nào con người chọn TÌNH YÊU MẶC DẦU và dám sống cho tình yêu này, khi đó người ta mới có thể hoàn thiện bản thân và kiện toàn cho nhau được. Bởi vì khi yêu và sống “tình yêu mặc dầu” ngay lập tức những vết thương sẽ được chữa lành. Lo âu, áp lực, bất an, ghanh gét và lo sợ sẽ ngày một giảm dần. Sự sống trở nên mạnh mẽ, con người dễ đón nhận nhau hơn thay vì cứ mãi loại trừ nhau.
TÌNH YÊU TỰ HIẾN là TÌNH YÊU MẶC DẦU.
TÌNH YÊU MẶC DẦU là TÌNH YÊU CỨU THẾ.
TÌNH YÊU CỨU THẾ là tình yêu cần phải được cổ võ, được nhân rộng ra trong xã hội và đời sống con người.
Lm. Phêrô Trần Trọng Khương
 


[1] 1 Ga 4,7-8
[2] X. GLHTCG, số 234
[3] X. VÔ DANH, Bạn Chọn Tình Yêu Nào, p.1
[4] 1Ga 4,18
[5] X. GLHTCG, số 1337
[6] Lc 22,19
[7] Lc 23,34
[8] X. Ga 15,13
[9] Lời mời gọi lúc nào cũng tạo ra sự tự do và đặt con người trong sự tự do . Ví dụ: mời gọi giúp đỡ người nghèo, mời gọi cứu trợ ... bản chất lời mời gọi là tạo ra sự tự do (không trói chặt con người theo kiểu phán quyết, nhưng luôn đặt con người trong thế mở) và lời mời gọi đặt con người trong sự tự do (có quyền chấp nhận hoặc từ chối). Mà tự do giúp con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. (X. GLHTCG số 1731) cho nên “tình yêu mặc dầu” nơi Thánh Thể là lời mời gọi, thì không bao giờ tình yêu này trở thành tình yêu thiếu trách nhiệm hay mù quáng được.
[10] X. Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, GLHTCG số 234
[11] X. 1Cr 11,17-34
[12] X. GLHTCG, số 1331
[13] Ibid, số 1332
[14] Ibid, số 1352 đoạn 2; X. Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, GLHTCG số 230
[15] X. Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, GLHTCG số 237
[16] Ibid, số 230 và 235
[17] Ga 6,56
[18] Ga 6,54
[19] X. GLHTCG, số 1324

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang