Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Phục vụ con người (Đức giám mục Dom Helder Camara)

Người đăng: DangTrinh | 30.06.2012

Lời người dịch: Hồng y L. J. Suenens và giám mục Helder Câmara là hai khuôn mặt lớn của Giáo Hội công giáo trong thế kỷ 20. Một vị từng là nhà tư tưởng trụ cột của Công Đồng Vaticanô II, là sức bật canh tân nếp sinh hoạt Giáo Hội, là khâm sai của Giáo Hoàng trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để trình bày với thế giới về thông điệp Hoà bình trên trái đất… Còn vị thứ hai là tiếng nói của những kẻ không có quyền có được tiếng nói, là kẻ hiên ngang làm chứng Tin Mừng giữa những kẻ nghèo khốn, bất chấp dư luận chụp cho ngài chiếc nón “giám mục đỏ”.
Họ đã phục vụ Giáo Hội với hai phong cách khác nhau, nhưng họ có điểm chung là những người em, những tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Những trang dưới đây là chứng từ về đức tin của họ vào Đấng mà họ đã gặp và đã đi theo…

Nguyễn Đăng Trúc chuyển ra Việt ngữ từ cuốn III, Thánh Thần hơi thở sống động của Giáo Hội của Hồng y L. J. Suenens.
Dom Helder Câmara
1. Kitô hữu, người anh em của mọi người
Sống thân phận làm người đương nhiên hàm ngụ chiều kích xã hội. Không ai sinh ra làm người để ở riêng một mình nơi hoang vu trống vắng. Mỗi người trong chúng ta đều do một cha một mẹ sinh ra, và cha mẹ chúng ta cũng có cha có mẹ như chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều sống ở một nơi một thời nào đó. Và những sự kiện đó tạo nên những quyền lợi và những bổn phận mang chiều kích xã hội liên quan đến mỗi người.
Bất hạn ai tin vào Thiên Chúa là Cha của mọi người thì đã đi vào mối tương giao huynh đệ và liên đới nhân loại. Trong thế giới ngày nay, truyền thông đại chúng giúp cho chúng ta biết đến những người anh chị em chúng ta trong các xứ xa gần, chúng ta cảm nhận cụ thể hơn tình liên đới phổ quát ràng buộc chúng ta với mọi người, và đáng buồn thay chúng ta cũng nhận ra những đối nghịch tạo bất hòa giữa các dân tộc.
Đối với kitô hữu, như thánh Phaolô gọi là ‘con người mới’, chiều kích xã hội lại còn liên kết với một đòi hỏi mới khi người ấy gặp gỡ những người anh em kitô hữu khác, đã chịu phép rửa như mình, cũng là chi thể mầu nhiệm là Giáo Hội y như mình. Kitô hữu nhận ra những bổn phận mới, nhưng tình huynh đệ trong Chúa Kitô như thế không kéo kitô hữu thu mình lại, hoặc đóng khung người đó trong vòng vi những người huynh đệ kitô hữu với nhau mà thôi: trái lại, tình huynh đệ này đưa kitô hữu mở ra với thế giới bao la của mọi người, mà mỗi phần tử đều được Chúa Kitô đã đổ máu Ngài để cứu chuộc và, dẫu con người có ý thức hay không, thì Ngài đều kêu gọi mỗi người hướng về một cứu cánh chung.
Trong thông điệp đầu tiên của mình, Đấng Cứu Chuộc con người, giáo chủ Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh sự hiện diện của Đức Kitô nơi mỗi người: “Ngài hiện diện nơi sâu kín nhất của lương tri con người, đi vào mầu nhiệm của nội tâm được diễn tả trong ngôn ngữ Thánh Kinh và ngay cả trong các lối nói ngoài Thánh Kinh, qua cách gọi là ‘tâm’ (… ), ‘hình ảnh của Thiên Chúa Đấng vô hình’ (Col.1,15). Ngài là Con Người toàn mãn, Đấng đã phục hồi nơi con cháu Adam hình ảnh của Thiên Chúa từng bị hư hỏng bởi tội nguyên tổ. Vì bản tính nhân loại nơi Ngài đã được chu toàn, chứ không phải tiêu mất đi, nên bản tính nhân loại nơi chúng ta cũng được nâng lên hàng phẩm giá vô song. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa ‘đã nối kết với mọi người’. Ngài đã lao tác bằng bàn tay con người, đã suy tư bằng trí khôn con người, đã yêu thương bằng trái tim con người. Ngài được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, đã thật sự là một người ở giữa chúng ta, giống y như chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi (Vui Mừng Và Hy Vọng, 22). Ngài là Đấng Cứu Chuộc con người!” (Số 8)
Khi nhìn thế giới với con mắt đức tin, kitô hữu có ba bổn phận phải chu toàn. Theo lối nói của Cardijn, cần phải thấy, phải suy xét, phải hành động.
Chúng ta bắt đầu với đôi mắt hướng về thế giới.
2. Thấy được thế giới trước mắt chúng ta
Kitô hữu chú tâm nhìn thế giới hôm nay không thể nào không cảm thấy choáng váng và đặt cho mình muôn vàn câu hỏi.
Thế giới trước mắt chúng ta và trong đó chúng ta đang sống dường như hùng mạnh hơn bất cứ lúc nào. Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật đang thực hiện biết bao sáng kiến lạ lùng; giả như tổ tiên chúng ta trở lại dương thế hẳn họ sẽ cho đó là điều không thể tưởng tượng hoặc chỉ là phép lạ.
Con người ngày nay có những tài nguyên kỹ thuật có khả năng bảo đảm cho toàn nhân loại một mức sống xứng hợp với nhân phẩm và yên ổn. Con người ngày nay đã chiến thắng những ôn dịch, những bịnh nan y. Người ta dường như có cả ý định chế ngự sự chết và đang muốn tạo sự sống trong các ống nghiệm. Khắc chế sông ngòi, đẩy lui sa mạc, khai thác các nguồn tài nguyên tận đáy biển cả, kiểm soát những năng lực không ngờ như nguyên tử, mặt trời, gió bão, thực hiện những biến hóa khó tưởng tượng nỗi trong kỹ thuật luyện kim, con người ngày nay phải chăng đánh giá việc chinh phục trái đất là chuyện cỏn con và đang hướng đến cao vọng chinh phục cả vũ trụ?
Tuy nhiên, ai có mắt để nhìn thì hẳn thấy rằng có những dấu chỉ hiển nhiên là thế giới bề ngoài xem hùng mạnh như vậy, nhưng kỳ thực đang hấp hối và đang chết.
Có những thành phố phình ra đến độ trở nên hị hợm, ác độc, vô nhân, không cách gì giải quyết được các vấn đề thường thức căn bản như nhà ở, nước uống, mương hào, rác rưởi, thức ăn… tương ứng với nhịp tăng gia dân số. Nạn thất nghiệp nảy sinh trộm cắp, cướp giật. Những vụ bắt cóc, bắt làm con tin đòi hỏi phải có những biện pháp an ninh tốn kém song song với những đòi hỏi tiền chuộc càng ngày càng cao. Bầu khí, sông ngòi ô nhiễm không hít thở nổi. Giao thông đi lại bế tắc đến độ không còn cách giải quyết.
Nhân loại không có thì giờ và sự yên tĩnh cần thiết để cảm nhận và sống cuộc sống nhân tính. Con người trở thành những người máy, những con số. Cuộc sống riêng tư tiêu dần. Với những đổi thay giá trị tàn khốc và táo bạo như thế, nhiều tầng lớp dân chúng không cách gì quen thuộc được buộc lòng phải chạy đến chuyên viên phân tâm hoặc bác sĩ tâm thần.
Dấu chỉ nghiêm trọng hơn nữa về một thế giới đang băng rã và hấp hối: đó là hơn hai phần ba dân số thế giới đang sống trong tình trạng không xứng với phẩm giá mình vì nghèo đói, trong lúc các siêu cường có hơn mười lăm hoặc hai mươi lần năng lực vũ khí  để hủy diệt sự sống trên trái đất.
3. Phán đoán với tâm hồn người kitô hữu
Nhưng kitô hữu có bổn phận phải suy xét. Chúng ta không chấp nhận bị cái vỏ hào nhoáng về sức mạnh và tầm vóc to lớn của con ngoáo ộp khổng lồ này phỉnh gạt.
Thế giới đang bày ra trước mắt chúng ta buộc chúng ta phải tự vấn lương tâm.
Chúng ta đã làm gì với sứ điệp ‘mọi người là anh em’ của Chúa Kitô?
Làm sao chúng ta có can đảm nhìn đến Chúa Kitô một khi mang tên Ngài, nhận mình là đệ tử Ngài, chúng ta lại tiếp tay với tội ác của thế giới hôm nay: một thiểu số nhỏ nhoi lại chiếm những phương tiện sinh sống và của cải giàu có khổng lồ bên cạnh hầu như toàn thể con cái của Thiên Chúa bị đẩy vào một cuộc sống túng thiếu không xứng hợp phẩm giá con người?
Chúng ta phải nỗ lực làm điều gì trên bình diện cá nhân, cộng đồng, và trên bình diện các dân tộc? Chúng ta có dám nhìn thẳng mặt tình trạng mất thăng bằng nghiêm trọng  như thế về mặt xã hội hay không?
Bước đầu có nên truy tìm nhũng nguyên nhân của tệ trạng này, có nên nêu lên những lối sắp xếp các cơ cấu bất công đang nghiền nát hơn hai phần ba nhân loại hay không?
Tại sao ta nói đến cơ cấu ở đây? Phải chăng chúng là những cường lực đang kết hợp, đang tậïp trung, đang nới rộng khắp nơi? Những cường lực, cường quyền đó là gì? Ai chỉ huy chúng? Ai có quyền quyết định trên chúng? Người ta có cách gì làm áp lực hữu hiệu trên chúng hay không?
Làm sao xét định các cơ chế bất công này dưới ánh sáng của Phúc Âm?
Chúng có thực sự bất công hay không? Chúng liên hệ như thế nào với một nền kinh tế chỉ dựa trên việc đi tìm lợi nhuận? Phải chăng có một phong cách ích kỷ ở mức độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia trong đó?
Ta không thể nào tránh né những câu hỏi này.
4. Hành động
Nhưng thấy rõ, suy xét theo Phúc Âm cũng chưa đủ: tuyệt đối phải ‘hành động’…
Kitô hữu không thể đọc Kinh Thánh, nghe những gì Chúa nói qua các tiên tri để tố giác những hoàn cảnh bất công của thời các vị ấy, mà không đi đến kết luận là những lời kêu gọi như thế luôn có gia trị đối với chúng ta ngày hôm nay.
Cần tìm ra những lối thoát, khai phá những lối giải quyết, thử áp dụng và thẩm định kết quả nhằm tu chỉnh hoặc ngược lại có thể khai triển và quảng bá.
Nguyên tắc then chốt của bất cứ một nỗ lực thăng tiến xã hội nào trong các xứ gọi là kém phát triển, là làm cho dân chúng chưa đủ, phải làm với dân, cổ súy những sáng kiến, giúp cho dân tự túc. ‘Anh hãy giúp tôi không cần đến anh nữa’: đó là tiếng gọi của em bé muốn trưởng thành, và cũng là luật của mọi đường lối sư phạm.
Với nguyên tắc này, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ dấn thân đi vào những vùng đất khốn cùng, nghèo đói. Dẫu không có huy hiệu nào trên ngực, trên áo, người ta nhận ra họ một khi Đức Kitô ngời sáng trong họ.
Dân chúng đã có thói quen chịu đựng kẻ khác cai trị từng thế kỷ, người ta đã và còn đang hạn chế hoặc không cho họ có được quyền suy nghĩ, quyết định, hành động, nên nay họ thụ động chờ đợi kẻ khác nói cho họ điều gì họ phải làm. Khi những người thiện nguyện – giáo dân hoặc tu sĩ – đến phục vụ ở giữa những người nghèo khổ, nói với họ rằng mình không đến để suy nghĩ hoặc hành động thay cho họ, nhưng với họ, thì dân chúng lo âu sợ hãi vì nghĩ là phải tự mình đương đầu với sự đàn áp: những người nghèo không dám nói, phát biểu, hành động vì sợ bị kẻ có quyền lực đè bẹp.
5. Một tia hy vọng: các cộng đoàn cơ sở
Một phương cách hữu hiệu nhất để giúp họ cải tiến hoàn cảnh đó là dấy lên trong dân chúng những ‘cộng đoàn cơ sở’. Ta sẽ thấy một sức sống cộng đoàn kỳ diệu được Phúc Âm tài bồi và thấm nhuần sinh lực đến từ Đức Kitô. Những cộng đoàn cần được phát sinh, gặp gỡ và liên kết với nhau, không phải để chà đạp những quyền lợi của kẻ khác, nhưng là để tự bảo vệ không để cho kẻ khác xâm phạm quyền của mình.
Kinh nghiệm cho ta thấy cường quyền có thể nghiền nát một, năm hoặc mười người. Nhưng một cộng đoàn liên kết với nhau thì không một cường lực con người nào nghiền nát nó được, vì Thiên Chúa luôn hằng sống và lắng nghe lời kêu cầu của Dân Ngài.
Mong chờ người ngoài cải thiện cuộc sống dân chúng qua sự trợ giúp của cường quyền là mãi làm cho dân chúng liên tục ăn bánh vẽ.
Nhưng đây là khúc ca tự do vang dội từ những khối người bị áp bức trong các nước đệ tam khi nơi nơi những kẻ yếu thế, những người bị bóc lột cùng kết hợp với những người yếu thế và bị bóc lột khác…
Trong các cộng đoàn cơ bản của những xứ gọi là ‘kém phát triển’, những cộng đoàn tràn đầy đức tin, hy vọng và yêu thương nhờ một cuộc sống phụng vụ sinh động, những cộng đoàn gặp gỡ nhau trong tiệc Thánh Thể và cử hành các bí tích trong khung cảnh cộng đồng, thì mọi người, từ trẻ con,  thanh niên nam nữ đến người lớn, đều ý thức trách nhiệm của mình. Họ tham gia vào đời sống chính trị, công đoàn, các sinh hoạt văn hóa… Họ tiếp nhận và thực thi dễ dàng những phương cách diễn đạt một nếp sống dân chủ thật sự.
Nhưng phải lưu ý! Tôi xin lặp lại: hoạt động cho các cộng đoàn cơ sở tại các nước được gọi là kém phát triển, thì cần có ơn riêng, có đoàn sủng biết làm việc với dân chúng chứ không phải chỉ biết làm cho dân chúng.
Và dân chúng nhạy cảm về việc này, họ biết xét đoán ai có, ai không có đoàn sủng để làm việc ‘với’ người nghèo khó.
Chúng ta nên nói lên điều này: điều tối thiểu người ta có quyền mong đợi nơi mọi kitô hữu, mọi người thiện chí là xin họ đứng về phía những cộng đoàn cơ sở của các xứ đang khổ đau, nhân danh lòng yêu chuộng công lý, nhân danh việc bảo vệ các cộng đoàn cơ sở chống lại những lời tố cáo gian manh của những kẻ tìm mọi cách để tránh những áp lực tinh thần của các cộng đoàn này, những áp lực nhằm giải phóng phát xuất từ Thánh Thần Thiên Chúa.
Chúng ta rán xét lại xem chúng ta cần thay đổi thái độ như thế nào cho phải, và tìm cách nêu lên những gì Giáo Hội cần cổ súy, đón nhận hoặc cảm hứng.
6. Những trách vụ của chúng ta
Trong nỗ lực đấu tranh chống lại những cơ cấu bất công càng ngày càng bóp nghẹt vô số con cái Thiên Chúa, không thiếu người cho rằng điều vừa thiết yếu vừøa khẩn cấp vừa khó khăn là phải đổi thay những cơ cấu bên trong nơi con người của mình.
Hẳn nhiên chúng ta không thể quên khía cạnh hoán cải nơi cuộc sống cá nhân, và trong khuôn khổ đó chúng ta cám ơn những phong trào đoàn sủng đang khẩn cầu Thánh Thần Chúa, cổ súy việc cầu nguyện và thức tỉnh lương tâm con người.
Đừng bao giờ quên rằng con người luôn bị khống chế bởi lòng ích kỷ và những hậu quả của nếp sống này. Tội lỗi có thật, tội cá nhân cũng như tội tập thể. Sự ác trong trần gian cũng rất kỳ bí! Bên cạnh thế giới được đón nhận như công trình tạo dựng của Chúa Cha, được Chúa Cha thương mến đến độ gửi Con thân thương của Ngài đến ở cùng, thì còn có ‘thế giới’ đồng nghĩa với tội lỗi…
7. Những nhà giáo dục tôn giáo
Linh mục Arrupe, bề trên toàn thể các tu sĩ Dòng Tên, đã lay chuyển lương tâm người công giáo khi nêu lên tình trạng khẩn trương phải thay đổi sâu xa hướng đi của lối giáo dục của chúng ta trong một thông điệp của ngài. [1] Nỗ lực nơi các nhà giáo dục của chúng ta nhất thiết phải tìm cách đào tạo con người hướng đến người bên cạnh, đến công lý và hoạt động xã hội.
Ước chi các linh mục ý thức được sứ mạng thức tỉnh lương tâm con người! Có biết bao nhiêu bài giảng, nhất là trong các ngày nhủ nhật và các ngày lễ lớn! Hãy suy nghĩ xem, giả như không có những bài giảng rỗng tuếch, mơ hồ, nói thiên nói địa cho có nói, không nêu lên được vấn đề nào, không nhắc nhở gì chúng ta, không dám thúc đẩy chúng ta đổi thay vị trí chứ đừng mãi nằm yên, ngái ngủ… Chúng ta đâu có mong những bài giảng làm tổn thương kẻ khác chỉ vì vô cớ thích làm khổ người ta, những lối nói khiêu khích, nhục mạ hoặc ngạo mạn. Sự thật cần loan truyền càng nghiêm  trọng thì người nghe càng cảm thấy người giảng cần có lối nói của người bạn, người anh em của mình. Nếu có làm nhức nhối thì chỉ là để chữa lành bệnh như y sĩ giải phẫu. Nếu có nóng bỏng thì chỉ là để xóa đi sai lầm, tội ác, và còn hơn thế nữa là để thanh luyện mà thôi.
Trách nhiệm nặng nề biết bao nhiêu, nhất là đối với những vị giảng trong các dịp linh thao, những tuyên úy các cuộc tụ họp cầu nguyện, tĩnh tâm để gặp gỡ Thiên Chúa một cách sâu xa! Không nên và không được nêu danh Chúa Thánh Thần để cổ võ những thái độ vong thân. Thánh Kinh không từng gọi kẻ nói rằng mình kính Chúa, Đấng mà họ không thấy, đồng thời lại ghét người anh em trước mặt họ, là phường láo khoét hay sao? Chúng ta có thể làm gì được để vinh danh Chúa? Vâng, chúng ta có thể làm được, và chúng ta phải làm sao để con cái Chúa, từng được Chúa Giêsu cứu chuộc, không bị phân chia ra thành kẻ bị áp bức một bên và bên kia là kẻ áp bức.
8. Các nữ tu, các nhà giáo
Trong lãnh vực giáo dục, có biết bao nhiêu vườn trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học, đại học do người kitô hữu điều hành! Hãy tưởng tượng toàn bộ nỗ lực mênh mông có thể đưa con người vượt thắng lòng vị kỷ một cách hết sức hiệu quả và làm lung lay những cơ cấu bất công đang nghiền nát từng triệu, từng triệu con người, anh em của chúng ta!
9. Giới truyền thông đại chúng
Và cả những phương tiện truyền thông xã hội đầy uy thế nữa! Đúng là có tình trạng hầu như lúc nào các phương tiện này cũng nằm trong vòng kiểm soát của các nhóm quyền lực. Nhưng chúng ta có ơn Chúa và trách nhiệm để lượng định được tầm quan trọng và sự khẩn trương về nỗ lực giúp con người vượt thắng lòng tư kỷ và gây ý thức liên đới, chúng ta cần len lỏi bằng mọi cách để đưa sứ điệp ấy lên trên báo chí, truyền thanh, điện ảnh, truyền hình…
Chúng ta có thói quen cứ mãi thụ động chịu ảnh hưởng của chúng mà không hề phản ứng, không khác chi như cát chỉ biết thấm nước biển. Phải đánh thức lương tâm để phản ứng lại. Trong những xứ có tự do, cần giáo dục dư luận dân chúng ý thức bổn phận phải lên tiếng, phải biết chống đối, dấy lên những chiến dịch cải thiện truyền thông. Trong lãnh vực này chúng ta có cả một vùng đất bỏ hoang, nơi mà dân lành và đa số thầm lặng nhẫn nhịn một cách thụ động. Có một lối giáo dục về con đường đấu tranh bất bạo động mà ta cần khai thác để dấn thân cải thiện xã hội, xúc tiến những đổi thay cần thiết.
Cũng luôn nhắc lại cho nhau là đây không phải dấn thân vì tham vọng quyền bính hoặc tìm uy thế cho mình hay phe mình, nhưng là phục vụ công ích. Có những sức mạnh tiềm tàng cần huy động để tạo những áp lực tinh thần đem lại giải phóng, những áp lực có khả năng đem lại công lý và yêu thương, và đó là con đường tiến đến một nền hòa bình chân thật và bền vững. Nhưng điều thiết yếu là phải kết hợp các nỗ lực.
10. Kết hợp các nỗ lực
Thử lấy một thí dụ có những con số dễ làm tính: đó là Giáo Hội Châu Mỹ Latinh.
Lục địa Châu Mỹ Latinh có 170.000 tu sĩ (140.000 nữ tu sĩ và 30.000 nam tu sĩ rải khắp các nước ở Trung Mỹ cũng như Nam Mỹ).
Ở Châu Mỹ Latinh ấy, chúng ta có 800 giám mục được tổ chức thành Hội Đồng giám mục Mỹ Châu Latinh (CELAM). Và tương ứng chúng ta có những địa phận, rồi họ đạo, các cộng đoàn cơ bản, các linh mục nhất là vô số giáo dân càng ngày càng đông và nhiệt tình phục vụ. 170.000 tu sĩ toàn lục địa được qui tụ vào tổ chức gọi là Hội đồng các tu sĩ Mỹ Châu Latinh (CLAR). Ta thấy ảnh hưởng bao la mà toàn khối tổ chức như thế có thể chi phối: hơn nữa ai cũng biết người nữ tu sĩ hoặc nam tu sĩ là người hiến trọn cuộc sống cho Thiên Chúa nên cũng là kẻ phục vụ người bên cạnh.
Khi đứng riêng lẻ, giám mục, linh mục, nam hoặc nữ tu sĩ cũng như người giáo dân, nếu tố giác những bất công, ngay cả những sự kiện quá rõ, quá kinh hoàng, nếu nỗ lực dấn thân thăng tiến cuộc sống của kẻ bị áp bức, thì hẳn sẽ dễ bị lên án là làm chính trị, là xách động quần chúng, là cán bộ cộng sản. Ngược lại, nếu mọi người trong các thành phần của chúng ta kết hợp lại, xác minh mình hoạt động theo đường lối của Phúc Âm, của công đồng Vaticanô II, của Thượng hội Đồng Medellin, và nay là của tuyên cáo Puebla, thì không ai cản ngăn được và tạo điều kiện làm lung lay các cơ cấu áp bức.
11. Mời gọi kitô hữu hãy can cường
Thăng tiến cuộc sống con người là phận vụ chung của chúng ta, mỗi người chúng ta. Đó là một mầu nhiệm thật sự, một sự kiện hết sức diệu kỳ: Thánh Thần Chúa đã dấy lên nơi mọi quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hoặc nhóm người, những người nam nữ quyết tâm dấn thân cho công lý như là một đường lối xây dựng hòa bình. Trong nỗ lực ấy, Giáo Hội hợp tác với những người thiện chí và phải đóng trọn vai trò riêng của mình. Giáo Hội chỉ có thể chu toàn được phận vụ ấy khi biết chấp nhận những bước thanh lọc.
Muốn nêu gương sáng, muốn chứng thực sự hiện diện của Đức Kitô hằng sống giữa muôn dân và đồng hành với con người, Giáo Hội phải gấp rút và dứt khoát quẳng bỏ ưu lo tạo uy thế cho mình, víu vịn giới có quyền có thế, chấp nhận sống tinh thần ngôn sứ của Thầy mình, một tinh thần có giá trị luôn mãi trong mọi thời đại: “Này Ta gửi các con đến như gửi những con chiên ở giữa bầy sói… . Các con sẽ bị kéo ra trước các tòa án ” (Mt 10,16-17).
Tại sao phải e sợ người ta nghĩ sai, xét bậy khi mình dấn thân cho công lý, một khi chính Đức Kitô đã bị gọi là người xách động, nổi loạn, kẻ thù của César? Nếu đúng là Ngài bị xử vì đã từng xưng mình là Con Thiên Chúa, thì ngay trên thập giá, bảng viết bằng ba thứ tiếng cũng thực sự có ghi là Ngài đã bị lên án tử hình vì một lý do chính trị khi đã từng tự tuyên bố mình là vua. Đây là sự khó nghèo nhưng đầy rạng rỡ mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi Giáo Hội của Con Ngài trong thời buổi hôm nay: Giáo Hội ấy phải cắt đứt sự đồng lõa với các chính phủ và những kẻ quyền thế, và phải dấn thân cho kẻ khó nghèo, kẻ bị áp bức, kẻ không có chút gì trong tay, những người con Thiên Chúa sống một cuộc sống bần hàn không xứng hợp với phẩm giá làm người.
 Nếu chúng ta để cho sợ hãi và dè dặt đến hèn nhát kềm chế, chúng ta sẽ chứng kiến lớp lớp người kitô hữu nhiệt tình, đặc biệt là giới trẻ thất vọng vì thái độ ‘làm thinh cho yên’ của Giáo Hội, rồi đổ dồn về phía quá khích và bạo động. Nhiều người trong họ đón nhận Chúa Kitô và Giáo Hội theo tinh thần ngôn sứ của Ngài, nhưng không chấp nhận Giáo Hội phẩm trật và định chế. Phải làm sao cho họ thấy được sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành, giữa quyết tâm sống thực và giáo lý của chúng ta.
Ngày nào Giáo Hội không còn sợ bị tố giác là làm chính trị bởi vì mình tuyên dương những đòi hỏi của công ích, ngày nào Giáo Hội dám áp dụng nơi chính mình nội dung các bản văn cao đẹp, những thông điệp, những tài liệu công đồng Vaticanô II, thì ngày ấy có nhiều kẻ nhận mình là kitô hữu nhưng đang ở xa những sinh hoạt thông thường của Giáo Hội, sẽ chạy đến để góp phần mình với Giáo Hội trong nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng và nhân đạo hơn.
Bấy giờ, và chỉ lúc bấy giờ, mới thiết lập được sự nối kết và ngay cả sự hiệp nhất hoàn toàn giữa Giáo Hội ngôn sứ và Giáo Hội định chế là hai khía cạnh của cùng một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Nếu chúng ta sống được như thế, thì không kitô hữu nào hoặc nhóm kitô hữu nào cảm thấy cần bỏ đi để tìm những ‘tiên tri’ khác: Họ sẽ ở trong Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vì Ngài luôn là nguồn cảm hứng và ánh sáng dẫn dắt họ.
12. Nói vắn tắt
Sau khi lược qua những thực tế hằng ngày của kitô hữu chúng ta, tôi xin nói vắn tắt những thâm tín của tôi về dấn thân xã hội mà tôi cảm nghiệm được suốt những năm tháng của cuộc đời tôi:
- Tôi không thích sự xung đột giữa thế giới giàu và thế giới nghèo.
- Tôi tin vào sự táo bạo của những người yêu chuộng hòa bình, vào áp lực tinh thần đem lại giải phóng.
- Tôi không thể tưởng tượng ra rằng vũ trụ được tạo dựng do yêu thương, lại chấm dứt trong thù hận.
Tôi mong được nói lên với mọi người:
- Nơi nào có con người, Giáo hộâi cần hiện diện ở đó
- Lòng ích kỷ của những kẻ giàu tạo nên một vấn đề nghiêm trọng hơn là cộng sản.
- Thế giới hôm nay bị đe dọa bởi bom nghèo đói.
- Cần có những thay đổi thật sâu xa để đem lại một tình trạng công bằng chung.
- Không có hoán cải sâu xa nơi tâm hồn, thì ta không thể trở thành dụng cụ thăng tiến thế giới.
- Cuộc cách mạng xã hội chỉ có thể thực hiện được nơi các xứ đang phát triển khi song song có cuộc cách mạng tinh thần và xã hội trong các xứ phát triển.
- Phải xây trên nền tảng vững chắc. Giải quyết mù chữ chưa đủ. Nỗ lực xây dựng thực sự là gây ý thức để cả khối người kia ngày nào đó trở thành một dân tộc.
- Không phải chỉ cần giảng và sống Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô trong nhà thờ là thay đổi được thế giới.
- Tình trạng nghèo đói làm cho con người phẫn uất và hạ nhục nhân phẩm; nó nhận chìm hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.
- Chúng ta không có quyền đổ trách nhiệm cho Thiên Chúa về những gì liên quan đến tình trạng bất công; chúng ta có phận vụ phải xóa cho sạch tình trạng nầy.
- Cửa nhà tôi và lòng tôi rộng mở đón mọi người, tất cả mọi người.
- Chúa Kitô đã loan báo cuộc phán xét cuối cùng sẽ diễn ra như thế nào: chúng ta sẽ được xét xử theo cách chúng ta đối xử với Ngài nơi người nghèo, người bị áp bức, người bị vùi dập.
13. Tiếng nói của giới không có được tiếng nói
Tôi xin quay lại nhìn Chúa và chuyển lên Ngài niềm hy vọng của của giới không có được tiếng nói trong một thế giới đang vùi dập họ:
Lạy Cha,
Làm sao không thể đưa toàn nhân loại
vào lời cầu nguyện của chúng con cho được,
khi mà Con Cha, Chúa Giêsu Kitô là anh chúng con,
đã đổ máu Ngài cho mọi người,
ở mọi nơi, mọi lúc?
Nhưng xin Chúa cho phép con
có lời nguyện riêng
dành cho thế giới của con, thế giới của những kẻ không có được tiếng nói.
Có từng ngàn, từng ngàn con người,
- trong các xứ nghèo
và trong những khu nghèo của các quốc gia giàu có-
không có được quyền lên tiếng nói,
không cách gì khiếu nại, phản đối
hầu bảo vệ những quyền
chính đáng nhất để làm người.
Những kẻ vô gia cư, không cơm ăn,
không áo mặc, yếu đau không hề được chăm sóc,
những kẻ không thể có được chút học vấn tối thiểu,
không việc làm, không ngày mai,
những kẻ không còn biết lấy gì để hy vọng;
họ có nguy cơ phó mặc cho số kiếp,
những kẻ chán nản ê chề, họ mất đi lời nói,
trở thành kẻ câm nín kinh niên.
Nếu tất cả chúng con, những kẻ tin vào Cha,
chúng con đã từng giúp những anh em giàu có,
những kẻ nhiều may mắn ở thế thượng phong,
biết mở mắt, biết thức tỉnh tâm hồn,
thì những bất công đâu có tràn lan mãi,
khoảng cách giàu nghèo
đâu đến nỗi quá cách biệt,
không những giữa các cá nhân, giữa các nhóm người,
nhưng còn giữa các quốc gia
và ngay cả giữa các lục địa.
Lạy Chúa, xin làm thay
những gì chúng con đã không biết làm
và những gì hiện nay chúng con không biết làm.
Làm sao vượt qua được hàng rào
nào trợ giúp, nào tặng biếu, nào bố thí
để ý thức và thực hiện được công lý,
ôi con đường quả thực khó khăn!
Người ở thế thượng phong,
những kẻ giàu tiền lắm của sẽ nổi cáu
và nghĩ là họ bị xét đoán oan,
rồi đánh giá những cử chỉ dù dân chủ nhất,
nhân đạo nhất, kitô giáo nhất
là bạo loạn và cộng sản!
14. Sứ điệp Puebla
Hội nghị lần thứ ba của các giám mục Mỹ châu Latinh được đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II chính thức triệu tập và đích thân khai mạc, đã lên tiếng rõ ràng về tình trạng này:
“Cuộc Hội Nghị các giám mục Mỹ châu Latinh lần này, trong tinh thần dấn thân cho người nghèo, lên án tình trạng nghèo khổ cùng cực đang khống chế lục địa chúng ta là tình trạng chống lại Phúc Âm.
Hội Nghị nỗ lực tìm hiểu và tố giác những lề lối gây nên tình cảnh nghèo khổ này.
Hội Nghị liên kết những cố gắng của mình với những nỗ lực của các Giáo Hội khác và với tất cả những người thiện chí để bứng rễ tình cảnh nghèo khổ này và tạo nên một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. ” [2]

[1] Thư của linh mục ARRUPE gửi các tu sĩ của Hội Dòng.
[2]
Rao giảng Phúc Âm hôm nay và ngày mai ta(i Mỹ Châu Latinh ( Những Kếât luận của Hội Nghị Puebla, số 924 đến 926).

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang