Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Phục vụ con người (Hồng Y Suenens)



Người đăng: DangTrinh        
30.06.2012

Lời người dịch: Hồng y L. J. Suenens và giám mục Helder Câmara là hai khuôn mặt lớn của Giáo Hội công giáo trong thế kỷ 20. Một vị từng là nhà tư tưởng trụ cột của Công Đồng Vaticanô II, là sức bật canh tân nếp sinh hoạt Giáo Hội, là khâm sai của Giáo Hoàng trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để trình bày với thế giới về thông điệp Hoà bình trên trái đất… Còn vị thứ hai là tiếng nói của những kẻ không có quyền có được tiếng nói, là kẻ hiên ngang làm chứng Tin Mừng giữa những kẻ nghèo khốn, bất chấp dư luận chụp cho ngài chiếc nón “giám mục đỏ”.

Họ đã phục vụ Giáo Hội với hai phong cách khác nhau, nhưng họ có điểm chung là những người em, những tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Những trang dưới đây là chứng từ về đức tin của họ vào Đấng mà họ đã gặp và đã đi theo…


Nguyễn Đăng Trúc chuyển ra Việt ngữ từ cuốn III, Thánh Thần hơi thở sống động của Giáo Hội của Hồng y L. J. Suenens.

Hồng Y Suenens

1. Kitô hữu và các mối liên đới nhân loại

Kitô hữu không thể là người đóng kín, đơn độc. Mọi người đã chịu phép rửa đều phải tiếp nhận những hiệu quả đương nhiên về mặt xã hội của lý lịch kitô hữu nơi mình. Người ấy sẽ ở trong một mạng lưới tương quan và gánh lấy những bổn phận với những môi trường sống càng đi ra càng rộng hơn, như những vòng tròn đồng tâm khác nhau có chung một tâm điểm. Những tương quan và bổn phận như thế buộc người kitô hữu phải có những quan điểm và những cự tuyệt trên bình diện gia đình, nghề nghiệp, kinh tế, công dân, chính trị.

Ngay cả nơi những hình thức biểu lộ căn đế nhất của nếp sống kitô hữu, cuộc sống chiêm niệm cũng không thể là một lối trốn thoát khỏi thế giới, nhưng ngược lại nó là lối truy tìm những mạch nguồn sâu kín của sức sống nhân loại và kitô giáo.

Kitô hữu không thể tách mình ra khỏi thế giới cũng không thể trốn chạy vào sa mạc. Mỗi người theo ơn gọi riêng của mình phải gánh một phần tích cực vào công cuộc nhân loại hóa thế giới như một bổn phận đương nhiên.

Kitô hữu không có vấn đề phải lựa chọn giữa đức tin hoặc sinh hoạt bên ngoài, cũng không có vấn đề xếp đức tin bên cạnh công việc hằng ngày, nhưng phải linh hoạt đức tin vào công việc của mình.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận xã hội, lưu ý đến những gì hỗ trợ cho việc cải thiện các mối tương quan giữa con người với nhau, những gì cổ súy thực thi tình huynh đệ: những nỗ lực như thế đã là một hoạt động xã hội, dầu hoạt động nầy không thể hiện cụ thể trong những dự án nhất định.

Để ý thức rõ hơn về bối cảnh sinh hoạt xã hội của những người kitô hữu nơi các nhóm hoặc trên bình diện cá nhân, thì nhất thiết phải nhìn chung toàn bộ lãnh vực mang thành ngữ ‘xã hội’, chứ không nên đóng khung chữ này vào một lối biểu thị hoặc một phương cách diễn tả riêng. Georges Gurvitch đưa ra một lối xếp loại đơn giản giúp ta dễ nhìn sự kiện một cách trật tự hơn. Tác giả phân biệt:

- bình diện các ‘xã hội tổng thể’, tức là bình diện của những tập hợp xã hội có đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu cho các thành phần của mình, chẳng hạn một nước hoặc một nhóm các quốc gia.

- bình diện các ‘nhóm giới hạn’, như gia đình, họ hàng gia tộc, các hiệp hội, các tầng lớp xã hội;

- cuối cùng là những hình thức đa biệt của các ‘mối liên hệ xã hội’, nghĩa là những mối tương quan khác nhau được thiết lập giữa các thành phần của một cộng đồng con người. [1]

Ta biết rằng có nhiều giá trị về xã hội tính phải được xem là hữu ích, và còn là cần thiết nữa, để các nhóm nhỏ cũng như những cộng đồng lớn hơn có thể hiện hữu và linh hoạt. ‘Vấn đề không thể nào thông đạt được với nhau’ là một trong những vấn đề gia trọng của thời đại chúng ta. Người ta nghiên cứu về vấn đề này trong mọi môi trường và đang cố gắng để cải thiện trong tất cả các nhóm sinh hoạt nhân loại: vợ chồng, gia đình, thương mại, hãng xưởng, ban quản trị điều hành… Và người ta thấy thay đổi cơ cấu tổng thể bên ngoài không phải là yếu tố duy nhất có thể đem lại một giải pháp cụ thể cho những khó khăn mà mỗi cá nhân gặp phải.

Nhãn hiệu ‘xã hội’ lại thường chỉ dành để áp dụng cho các dự án nhất định, các lối cải cách nhằm thay đổi các cơ cấu xã hội. Kỳ thực thành ngữ ‘xã hội’ có một nội dung rộng nghĩa hơn và vượt ra ngoài ý nghĩa giới hạn đó.

Khi nói đến mục tiêu xã hội của sự sống thần sủng, đức ông A. Dondeyne viết rằng: “Về mặt này, lối nói của thánh Phaolô diễn tả một cách hết sức linh hoạt và sắc bén. Để mô tả điều đức tin vào Chúa tác động trên thế giới, thánh Phaolô nói đến ‘một tạo vật mới’; sự xuất hiện ‘một con người mới được tạo dựng theo ý Chúa, trong công lý và thánh thiện của sự thật’; và còn nói đến một sự thông dự vào hiện thân của Chúa Kitô phục sinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài cũng viết rằng những hoa trái của Thánh Thần là ‘yêu thương, hoan hỷ, hòa bình; khoan hậu, phục vụ, tốt lành; tín thác, chừng mực, tự chủ’ (Gal.5, 22-23).

Những lời đó giúp chúng ta thấy đức tin sống động đổi thay cuộc sống không phải là một cuộc đào thoát ra khỏi trần gian. Nó cũng không làm cho kitô hữu thành một siêu nhân, một con người ngoại hạng, thoát khỏi thân phận người phàm. Điều mà đức tin làm nảy sinh là phẩm cách cuộc sống được cải biến mỗi ngày, – chúng tôi nhấn mạnh -, là một sự thăng hoa theo nghĩa là rộng mở tâm hồn, tiến tới trong chân lý và thành thực, nhân ái và công bằng, tự do và trách nhiệm’ [2].

Những giá trị về xã hội tính ấy thể hiện ngay trong một cuộc cử hành bí tích thực sự hoặc nơi một cuộc họp mặt cầu nguyện của một nhóm sinh hoạt thanh thản, tự do, tin tưởng nhau. Những mối tương giao liên nhân vị đạt đến mức độ giao cảm sâu xa vì cùng nhau tiếp nhận Chúa Thánh Thần, Đấng hằng sống. Sự kiện mỗi người trong nhóm được kêu mời để tham gia chung lời cầu nguyện và ‘xây dựng’ cho toàn nhóm – theo nghĩa của lối nói nơi thánh Phaolô- tạo nên một cộng đoàn thông dự với nhau mật thiết. Đó là một kinh nghiệm xã hội mang một ý nghĩa rộng lớn lan rộng ảnh hưởng đến những mối tương quan khác trong cuộc sống, chẳng hạn trong sinh hoạt kinh tế. Cộng đồng kitô hữu thời nguyên thủy cống hiến cho ta một hình ảnh đáng lưu ý. Kinh Thánh kể lại: “Tất cả những kẻ tin cùng ở chung với nhau và để của cải làm chung; họ bán cửa nhà và của cải, và chia cho nhau tùy nhu cầu của từng người”. (CV 2,44-45).

Ta cũng có thể nêu lên những thí dụ khác trong cuộc sống Giáo Hội liên quan đến những kinh nghiệm đoàn sủng đã thể hiện trong lãnh vực xã hội – chính trị: Chúng ta liên tưởng đến những tên tuổi trong thế kỷ chúng ta như Têrêxa Calcutta, Martin Luther King, César Chavez, Jean Vanier – và, trong thế giới không kitô giáo như Gandhi – để chứng thực rằng cầu nguyện riêng hay tập thể có thể là một năng lực gây cảm hứng, một sức bật cho hoạt động, đồng thời trừ tà tẩy uế hoạt động, giúp nó thanh lọc những vết dơ của hận thù, kiêu căng và bạo lực.

Canh Tân đoàn sủng luôn kêu gọi đạt đến nguồn căn Phúc Âm, bổ sung các đoàn sủng, tương trợ, và như thế thì đã là một tác năng biến cải cuộc sống và xã hội. Nhưng đức tin cụ thể sống động hẳn nhiên sẽ dẫn đưa kitô hữu dấn thân trong vô số những sáng kiến xã hội khác nhau, đi vào nỗi ê chề khổ đau không biết bao nhiêu mà kể của cuộc sống.

Một cuốn sách[3] vừa mới xuất bản cho ta một cái nhìn nhanh về các hoạt động trong khuôn khổ của các người khuyết tật, tù nhân, nghiện ngập, già yếu, tâm thần, bụi đời và vô gia cư, cho đến những hoạt động tập thể qui mô nhằm cổ súy một xã hội công bằng hơn, tự do hơn, môi sinh trong lành hơn.

Cũng trong lối nhìn đó, cần nhấn mạnh vai trò xã hội mà những cộng đồng cùng sống chung (trong Canh Tân cũng như ở các nơi khác) đã thực hiện; việc họ chia sẻ toàn bộ  hoặc một phần của cải giúp ta chứng kiến lại tận mắt hình ảnh những cộng đoàn kitô hữu thời nguyên thủy. Ta thấy nét xã hội bám chặt vào trong đặc tính tôn giáo như trước đây các đan viện của chúng ta là những nơi mà lao tác và cầu nguyện liên kết chặt chẽ với nhau, tiết nhịp của phụng vụ ăn nhịp với tiết nhịp sinh hoạt lao tác ruộng vườn.

Cần phải nói rõ là dấn thân xã hội không phải chỉ là một bổn phận đạo đức thêm vào: nhưng nó gắn liền với việc rao truyền Phúc Âm. Giáo Hội nhân danh chính ý thức truyền giáo (rao truyền Phúc Âm) của mình để dấn thân vào những địa hạt làm cho con người xứng đáng phẩm giá làm người hơn, giải phóng con người để con người được phát triển chân thật hơn. Thượng Hội Đồng các giám mục năm 1971 mạnh mẽ nhắc lại nội dung đó trong một câu mấu chốt: “Chúng tôi xem việc đấu tranh cho công lý và tham gia vào nỗ lực biến đổi thế giới đúng là một chiều kích cấu tạo nên sinh hoạt rao truyền Phúc Âm, vốn là sứ mạng của Giáo Hội nhằm cứu chuộc nhân loại và giải phóng nhân loại khỏi mọi hoàn cảnh áp bức.”

2. Rao truyền Phúc Âm và nhân bản hóa

Nếu cần phải liên kết rao truyền Phúc Âm và nhân bản hóa, thì cũng cần phải tránh lối xếp nhân bản hóa như một yêu sách tiên quyết đi trước việc rao truyền Phúc Âm, qua khẩu hiệu sai trái: “Cần nhân bản hóa trước, sau đó mới rao truyền Phúc Âm”. Khẩu hiệu đó muốn nói rằng trước tiên phải cứu người ta khỏi các thứ vong thân, sau đó mới loan truyền Phúc Âm cho họ. Khẩu hiệu đó nguy hiểm vì nó hàm ngụ việc tạm đình chỉ bổn phận loan báo Đức Kitô cho thế giới!

Nó đặt ngay ý nghĩa cuộc sống tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội, bên trong cũng như bên ngoài, thành vấn đề. Điều đáng phi bác trong khẩu hiệu: “Nhân bản hóa trước, rao truyền Phúc Âm sau” nằm nơi chữ “trước” ấy, nghĩa là trật tự trước sau theo thời gian và theo cách xếp ưu tiên.

Không, cần phải dấn thân ngay và trực diện với cả hai bổn phận. Hai chữ “trước hết” và “sau đó” như hàm ngụ một sự phân ly giữa rao truyền Phúc Âm và nhân bản hóa. Nhưng kỳ thực thì hai phận vụ ấy cần gắn liền với nhau.

Phải đem lại cho con người vừa phương tiện để sinh sống vừa những lý do để sống. Không bổn phận nào chuẩn chước bổn phận nào. Như linh mục Chenu dòng Đa minh đã trình bày rất chính xác: “Rao truyền Phúc Âm thuộc trật tự khác với văn minh. Nuôi sống con người, tự căn không phải là cứu độ họ, ngay cả khi sự cứu rỗi của tôi buộc tôi phải nuôi sống họ. Cổ súy văn hóa không phải là việc dẫn đưa người ta quay về đức tin.”

Nhưng, mặt khác, Đức Kitô không phải chỉ là ‘sự sống linh hồn’ mà thôi. Ngài muốn làm cho toàn thể con người được sống. Không có gì đi ra ngoài vòng tay Ngài, dù đó là cuộc sống gia đình hay nghề nghiệp, công dân hay kinh tế, quốc gia hay quốc tế, giải trí, báo chí, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình hoặc việc sử dụng năng lực nguyên tử.

Giới hạn kitô giáo vào một vài sinh hoạt sùng mộ, dù quan trọng mấy đi nữa, là làm nên một kitô giáo què quặt. Khi thấy một vài cuộc sống kitô hữu có vẻ còm cõi và khô cứng, người không tin lên án chúng ta là không hề biết đến hay đánh giá thấp nỗ lực của con người, thiếu ưu tư cho tiến bộ, lãng quên công bằng xã hội. Nhưng không nên qui trách cho kitô giáo, mà nên qui trách kitô hữu phản lại đức tin của mình và lạm dụng danh xưng kitô hữu nơi mình.

Người ta không chỉ làm người kitô hữu vào ngày chủ nhật, ở nhà thờ; nhưng phải làm kitô hữu suốt tuần và suốt ngày, thực hành tất cả các điều răn, chứ không giới hạn vào điều răn thứ nhất và điều răn thứ sáu mà thôi. Cần đưa tất cả các điều răn và đưa ‘toàn bộ’ Phúc Âm vào ‘cả’ cuộc sống mình.

3. Tội quên sót

Ta cũng hiểu sai kitô giáo chân thật khi giản lược nó vào khía cạnh tiêu cực của lề luật: «người đừng nói dối, đừng nói xấu, đừng trộm cắp…». Vì ngoài sự ác phải tránh còn lãnh vực bao la của bao nhiêu điều tích cực phải chu toàn. Không phải chỉ có lương tâm tránh sự ác mà đủ. Có những tội lỗi vì thiếu sót không làm điều phải làm, những tội ác vì không yêu thương.

Nếu vào lúc kinh tế tự do đang thời toàn trị, mà có được những kitô hữu ý thức về những bổn phận xã hội để thực hiện một cách tích cực điều này điều nọ đối diện với ‘nỗi thống khổ mà bao người vô cớ phải gánh chịu’ (theo lối nói của giáo hoàng Lêô XIII), thì vấn đề xã hội hẳn đã không nêu lên một cách tang thương như thế!

Và vào thời cộng sản mới chớm phát, nếu có được những kitô hữu tràn đầy sức mạnh yêu thương của kitô giáo trong lãnh vực xã hội, thì hẳn lịch sử nhân loại ngày hôm nay đã khác lắm rồi! Nhà văn chính thống giáo N. Berdiaeff trước đây từng viết: “Cộng sản Bônsơvít đã đi vào Nga, và đã thắng, bởi vì tôi bình chân như vại, tôi dậm chân tại chỗ, bởi vì trong tôi không có được một năng lực tinh thần nào – một năng lực đức tin đủ sức dời non lấp biển. Cộng sản Bonsơvít là tội lỗi của tôi, là thiếu sót của tôi. Là thử thách tôi phải gánh chịu. Những khổ đau mà cộng sản Bonsơvít đưa đến cho tôi là gánh đền tội cho lỗi lầm của tôi, lỗi lầm chung của chúng ta. Tất cả chúng ta mang trách nhiệm về mọi người” [4].

Kitô giáo không thể đào ngũ, trái lại kitô giáo buộc mỗi người chịu phép rửa ý thức bổn phận của mình là phải tùy sức tham gia vào những sáng kiến đem lại tiến bộ nhân loại. Kitô hữu cần ý thức phép rửa của mình để vận dụng tài ba sức lực dấn thân tranh đấu chống lại nạn nghèo đói khốn cùng, thất nghiệp và bịnh tật, những bất công xã hội hoặc kỳ thị chủng tộc, và cổ súy xây dựng một xã hội biết thăng tiến phẩm giá con người.

4. Thế giới khác và thế giới cần đổi thay

Nhưng nỗ lực dấn thân của kitô hữu vào trần thế, vào lịch sử không phải chỉ là một bổn phận phát xuất từ những đòi hỏi ngặt nghèo và cấp thiết của trần thế. Nỗ lực ấy là một phần của cuộc sống toàn diện liên kết với Thiên Chúa, được linh hoạt bởi cuộc sống cầu nguyện, được soi dẫn và định hướng nhờ ân sủng của đức tin.

Linh mục Tillard, dòng Đaminh, đã viết rằng: “Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu liên kết việc loan báo Nước Trời với nỗ lực thực thi những dấu chỉ, đó là những hành vi chống lại những gì áp ức con người và làm cho cuộc sống trên trần thế này thành u ám. Đẩy lui bể khổ, triệt hạ những bức tường hận thù, đem lại hy vọng công lý và hòa bình cho cuộc sống, nói tóm lại là nỗ lực ‘phát triển chân thực phục vụ con người’ nhằm thăng hoa phẩm giá của nó, đó chính là phục vụ Thiên Chúa một cách cụ thể, là xây dựng Nước Trời mà hiện tại đây Chúa Kitô đang hiển trị, cho đến ngày ‘Ngài sẽ trao lại cho Thiên Chúa là Cha Ngài’. Dẫu rằng, trong nỗ lực dấn thân này, Danh Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô chưa được minh nhiên nêu lên.

Vì nỗ lực đó được thực hiện trước nhan Chúa, hiệp thông với ý muốn của Ngài là muốn cho thế gian biến đổi. Chỉ có Ngài là Đấng phán đoán sự thể. Ta không nhằm tìm kiếm trước hết xem thiên hạ phản ứng như thế nào, chỉ vì một lý do nào đó hàm ngụ nơi phản ứng này, mặc dầu người mà ta phục vụ liên quan đến công việc của ta. Thật vậy, ý hướng của ta trước hết không phải là chinh phục kẻ khác, khi làm cho họ suy nghĩ xem Thiên Chúa hoặc Nước Trời sẽ thế này hay thế khác nơi thế giới bên kia đang chờ đón họ. Nhưng ý hướng dấn thân chúng ta trước hết là nhằm vâng phục ý Chúa trên trần gian này. Hẳn nhiên, ý muốn của Thiên Chúa về việc làm cho thế gian này đổi thay luôn gắn liền với ý muốn của Ngài về thế giới bên kia; trong mối tương quan tương tự như thế, việc dấn thân của kitô hữu cho thế gian này cũng muốn qui về một lối làm nhân chứng về Chúa Kitô và Cha của Ngài.

Nhưng, ngay trước mắt, ý hướng đầu tiên của hoạt động của kitô hữu phải được hiểu là một sự cộng tác nhằm thay đổi bộ mặt trái đất này, làm sao để thế giới hòa hợp với Nước Trời mà hạt giống vốn đã gieo trên ấy. Chúng tôi nhắc lại rằng hành động như thế là dấn thân trước nhan Thiên Chúa” [5].

Một chứng tá khác về kitô giáo, trên hai bình diện tôn giáo và xã hội, được William Booth, vị sáng lập Armée du Salut, diễn tả một cách tha thiết; có thể nói đây là di chúc của ông.

Khi còn có những phụ nữ buồn khóc,
như hôm nay, thì tôi còn chiến đấu,
khi còn những trẻ con đói khát
như hôm nay, thì tôi còn chiến đấu,
Khi còn có một người vào tù, thì tôi còn chiến đấu,
khi còn một kẻ nghiện say, thì tôi còn chiến đấu,
khi chỉ còn một cô gái khốn khổ
trên đường phố, thì tôi còn chiến đấu,
khi còn một tâm hồn,
thiếu ánh sáng Thiên Chúa, thì tôi còn chiến đấu;
Tôi sẽ chiến đấu đến cùng! [6]

5. Chúa Thánh Thần và dấn thân xã hội

Kinh Thánh và Truyền Thống Giáo Hội cho ta những chứng tá về sức sống của Chúa Thánh Thần: chính tác động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta bảo đảm sự chân thực của mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Ngài là năng lực hiệp thông, bảo đảm sự hiệp nhất nơi công việc của Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Chúa Cha.

Đó là ý nghĩa của lời nhắc nhở mà phụng vụ của Giáo Hội kêu mời chúng ta lặp đi lặp lại: “Xin Chúa gửi Thánh Thần đến để tác tạo mọi sự và canh tân khuôn mặt trái đất.” Những lời ấy có ý nghĩa sâu xa và phải được suy xét chu đáo. Khi nhìn khuôn mặt thế giới, làm sao không thấy sợ hãi và ngay cả như tuyệt vọng? Ngày mai nhân loại sẽ đi về đâu, nếu một tên vô trách nhiệm nào đó nổi khùng ấn tay trên một nút bấm để có thể nhận chìm cả thế giới vào một vụ nổ nguyên tử kinh hoàng? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khoa học mặc sức biến chế để nhào nắn con người, ngay từ trước khi sinh, trong mỗi giai đoạn cuộc đời cho đến cả giờ chết? Con người sẽ còn gì là mình khi quyền bính chính trị sử dụng các phương tiện hết sức kiến hiệu để chi phối dư luận và phản ứng của dân chúng?

Hơn bao giờ hết, kitô hữu cần tập cho mình thâm hiểu về tự do chân thực qua nỗ lực tiếp nhận ơn tái tạo của Thánh Thần. Họ cần kêu cầu Ngài hiện diện và tác động để đương đầu với những vấn đề sinh tử của cuộc sống con người và văn minh nhân loại. Họ cần đi vào Nhà Hội (nơi các tông đồ đã tập hợp cầu xin Chúa Thánh Thần đến) để thành khẩn xin Ngài lấy bóng rợp đầy sinh lực của Ngài phủ lấy chúng ta; để khi bước ra Nhà Hội, chúng ta xông pha giữa chợ đời, làm nhân chứng một cách khiêm tốn, mạnh dạn và đầy tình huynh đệ.

6. Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng

Kitô hữu cần Chúa Thánh Thần, các ơn của Ngài, các đoàn sủng, không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống đạo đức cá nhân, nhưng còn để đủ sức đóng góp phần mình vào công cuộc canh cải xã hội. Họ cũng cần ơn khôn ngoan để suy xét và ơn chữa lành của Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Kitô hữu ‘dấn thân’ hay kitô hữu ‘đoàn sủng’ đều cần phải ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần tác động trong mình, có như thế thì nỗ lực phục vụ của mình trong địa hạt nhân sự hay kỹ thuật mới có thể góp phần vào việc canh tân thế giới tận gốc rễ của nó.

Thánh Thần thánh hóa cũng là Thánh Thần tạo dựng; Ngài tôn trọng thân phận làm người của chúng ta, ban cho thân phận ấy phẩm cách cao quí và tăng cường sinh lực; Ngài không phá hủy những yếu tố làm nên thân phận con người: ngược lại, Ngài giúp con người lớn lên và hoàn thành. Nhưng Ngài ‘siêu định’ những yếu tố này và biến chúng thành những dấu chỉ hữu hiệu cho quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa.

Chúng ta được tạo dựng để làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần muốn hoàn thành con người chúng ta nơi thân phận con người của chúng ta, nhưng không những Ngài nâng con người chúng ta vượt qua những khả năng bẩm sinh của mình, mà còn nâng cao hơn, vượt lên những giấc mơ táo bạo nhất. Ngài kêu mời chúng ta và đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là toàn bộ mầu nhiệm con người, không có gì hơn ngoài nội dung này.

Vào thế kỷ 19, N. Fedorov đã lên tiếng: “Chương trình xã hội của chúng tôi là Chúa Ba Ngôi”[7]. Chúng ta phải mở rộng chân trời và sự táo bạo của đức tin chúng ta vào Chúa Thánh Thần.

Có người đã nói: “Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận nơi mình nét tinh tế của cái bên trong và bên ngoài, tinh thần và thể xác, lời nói và thinh lặng, cũ và mới, chết và sống, thường đều và ngoại hạng, đoàn sủng và định chế, cá nhân và tập thể, v.v. Ngài mãi xếp đặt hai nội dung ấy trong một lối đối đầu với nhau giúp cho tạo vật trở thành hình ảnh giống với Đấng tạo dựng. Thánh Thần tác động trong con người nơi điểm nối kết của mối phực hợp linh động này.” [8]

Tôi tin là người ta sẽ thoát được sự căng thẳng ‘đoàn sủng – dấn thân xã hội’ nếu am tường được chiều sâu và chiều rộng của tác động Chúa Thánh Thần, và nếu thần học về các đoàn sủng vượt thắng và sửa chữa được những lối giải minh quá chật hẹp và gò bó.

Không có Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng của Ngài, thì không có Giáo Hội. Các đoàn sủng thuộc về chính bản chất của Giáo Hội như một ‘Bí tích phổ quát của ơn cứu độ’ (Vaticanô II), và chúng cũng là những yếu tố làm nên cuộc sống kitô giáo, trong cách biểu lộ cá nhân cũng như cộng đoàn.

Không một nhóm nào hoặc một phong trào nào tự cho mình độc quyền chiếm Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng của Ngài. Không nên xem những ‘đoàn sủng’ được nêu lên trong thư thánh Phaolô như là một danh sách trọn vẹn, hoặc xem đấy chỉ là những biểu lộ ‘bất thường’: những đoàn sủng này kỳ thực biểu lộ trong toàn cuộc sống của Giáo Hội. Thánh Tông đồ nói đến các đoàn sủng ấy như những kinh nghiệm quan trọng của đời sống Giáo Hội, nhưng chúng không phải vì thế mà là nền tảng xây dựng nên nền thần học của ngài về Chúa Thánh Thần.

Các đoàn sủng của Chúa Thánh Thần nhiều vô số. Nhờ các đoàn sủng mà mỗi chi thể của Giáo Hội phục vụ được Toàn Thân. Những đoàn sủng thiết yếu cho các chức năng thừa tác hướng đến việc xây dựng nên Thân Thể và phục vụ thế giới. Nơi mỗi kitô hữu, Thánh Thần thể hiện chính Ngài qua một chức năng thừa tác để phục vụ. Không kitô hữu nào lại không có một tác vụ trong Giáo Hội và trong trần thế, cho Giáo Hội và cho trần thế.

7. Hoa trái của Chúa Thánh Thần

Tác động của Chúa Thánh Thần, dù kín đáo bên trong, nhưng nhằm triển nở ra bên ngoài.

Thánh Thần mang lại hoa trái. Nghĩa là gì? M. Ledrus viết: “Thành ngữ “hoa trái” trong Thánh Kinh nhằm nói đến ‘sản phẩm’ hơn là nói đến tình trạng ngất ngây hoặc hân hoan sung sướng. Ý niệm hoa trái rút ra từ sự hiệp thông ‘thành quả’ công tác tông đồ hơn là kết hiệp nỗi ngây ngất nơi chiêm niệm… Hoa trái của Thánh Thần là một thành quả hướng đến đời sống siêu nhiên hơn là một nỗi vui mình thưởng thức” [9].

Theo nghĩa ấy, ‘hoa trái’ trước hết là một sự nẩy nở phong phú bên trong nơi cuộc sống các nhân đức, nhưng cũng là một sự bung dội ra bên ngoài, một chấn động xã hội, một đổi thay thấy được chung quanh ta, nơi thế giới. Lối đâm hoa kết trái đó như một ‘thời hiển linh, một sự biểu hiện của Thiên Chúa trong xã hội kitô giáo’. Ở đây cũng như mọi nơi khác, trong nguồn suối chân thực của mình, cuộc sống kitô giáo sẽ diễn đạt được sự phong phú của nội tâm và luôn tươi nở ra trong cộng đồng con người.

8. Nỗi khốn cùng của trần thế nhìn từ ánh sáng của Thánh Thần

Kitô hữu phải biết rằng những nỗi khốn cùng của thế giới không phải chỉ được giải thích là do trò chơi tác hại của con người, là vì những xung đụng tương tranh các quyền lợi, nhưng chúng còn do những quyền lực của sự ác đang chi phối một cách bí ẩn; kỳ thực quỉ vương không phải là một lối nói vô nghĩa đâu. Và trong vấn đề này cũng đừng nên quên vết thương của tội nguyên tổ gắn liền với nghiệp làm người, nếu không muốn mình trở thành ngây ngô thiếu thực tế. Cần chiến đấu cho đời tốt đẹp hơn với những vũ khí của Thánh Thần, mà thánh Phaolô đã liệt kê, và phải phân tích những tệ trạng của xã hội dưới ánh sáng của Thánh Thần vì Ngài sẽ giúp ta thấy được nguồn căn của sự ác, thấy được sức khống chế của tội lỗi. Vì sự ác căn đế  mà chúng ta phải chịu đựng, chúng ta cần dám nói rõ ra rằng nó không nằm trong các cơ chế cũng không ở tại việc này việc kia, nhưng nó ở trong ta, trong ý chí, tâm hồn của ta. Sự ác bên trong và thâm căn này đẻ ra những lạm dụng xã hội tái đi tái lại trong mọi chế độ. Không đánh nó tận gốc thì ta chỉ chuyển vị trí các loại bất công đi qua các vùng đất khung trời khác, nhưng không diệt nó được.

Hơn bao giờ hết cần phải nhắc lại rằng tội lỗi vốn là căn nguyên sự ác chống lại xã hội. Nó làm lung lay đứt rễ các mối tương quan huynh đệ, làm băng hoại sự thăng tiến nhân phẩm trên thế giới. Hơn nữa đức tin còn cho chúng ta biết tội lỗi phá hủy toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, và mọi tội đều tăng cường một cách kỳ lạ sự khống chế của Ma Quỉ trên thế giới. Thảm kịch của thế giới có gốc nơi thảm kịch tinh thần mà sân khấu không là gì khác hơn là tâm hồn con người. Một thảm kịch bên trong luôn ghi dấu tích nơi những sự kiện bên ngoài. Tội lỗi tự căn gây hư hủy và làm cho thế giới khô chết tận gốc, trong lúc đó ơn của Chúa tái sinh thế giới và nâng thế giới, cá nhân cũng như cộng đồng, đạt đến sự chung toàn cao độ.

Nhờ đức tin, chúng ta biết rằng kỳ cùng không có danh hiệu nào khác ngoài danh Giêsu mới đem lại sự cứu độ. Không có Ngài, chúng ta chỉ dừng lại ở bì phu của sự việc. Có một phương cách kitô giáo dấn thân thăng tiến cuộc sống xã hội, đó là nỗ lực giáo dục, y tế hoặc phát triển thế giới thứ ba. Nhưng điều đó không ngăn cản kitô hữu hợp tác với mọi người là anh chị em của mình, đặc biệt trong một xã hội đa nguyên như xã hội chúng ta. Không thể đóng khung kitô hữu thành những ghettos (cộng đồng đóng kín), nhưng kitô hữu phải ý thức rằng bất cứ ở đâu, lúc nào, mình cũng được Thánh Thần tác động. Trong những vấn đề phải đương đầu, dù gian nan đến mức nào, kitô hữu phải biết tin rằng khôn ngoan và quyền năng Chúa Thánh Thần có thể luôn soi sáng và dẫn dắt họ.

Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta y như một ngọn hải đăng trong đêm đen, Ngài phóng ánh sáng của Ngài cho ta thấy bờ bến, nhưng cũng soi dọi cho ta tránh những nguy hiểm khó thấy, những tảng đá ngầm. Ngài giúp chúng ta xét định rõ hơn tất cả những gì là vô nhân trong xã hội chung quanh chúng ta. Ngài buộc chúng ta hiểu rằng sống theo thủa theo thời là che giấu những đá ngầm của hèn nhát, của tình trạng không biết tôn trọng phẩm giá con người, của sơ hãi. Ngài mạc khải cho ta thấy những thần tượng của trần tục và lột mặt nạ vô số thần tượng đa dạng của chúng ta. Những thần tượng hôm nay không mang tên Baal hoặc Astarté; nhưng có tên là: xã hội tìm lợi nhuận và tiêu thụ, hoặc cũng còn là xã hội tự cho phép, thả lỏng, buông xuôi. Người ta tôn thờ các thần tượng mỗi khi vì tính toán cách này cách khác mà đành chấp nhận các loại độc tài vô nhân, các cuộc chiến bất công, các hình thức kỳ thị chủng tộc. Ngày xưa, kitô hữu đã chết vì từng từ chối bỏ một vài hột trầm hương dâng lên một vị thần tượng. Ngày nay đại đế César thường không còn là một tên riêng, nhưng là tên chỉ bối cảnh chung của thời đại chúng ta, là bầu khí ô  nhiễm đang bủa vây chúng ta…

Chúng ta vừa phải vững tâm hy vọng hướng về vinh quang của Thiên Chúa và vận dụng hết tài sức để làm cho thế giới con người tốt lành hơn. Viễn tượng tương lai làm cho hiện tại cao đẹp, chứ không làm cho nó u tối hơn: mỗi cố gắng thăng tiến cuộc sống con người đều có giá trị của nó, và đã là một bước trước ‘của trời mới và đất mới’ đang được chuẩn bị. Vừa phải hướng về bên kia bờ vượt quá mọi ước mơ vừa cụ thể dấn thân vào trần thế trong ngày hôm nay của Chúa. Vì Chúa Thánh Thần là ‘Đấng ban sự sống’ và năng lực hiệp thông, Ngài luôn hướng chúng ta về thế giới cụ thể và sống động: thế giới của mối tương giao Cha – con giữa chúng ta với Thiên Chúa; thế giới của mối tương giao với mọi người, là tương giao anh – chị – em giữa chúng ta với nhau.

Dom Helder kêu gọi chúng ta cùng ngài đi vào thế giới cụ thể vừa cao cả nhưng cũng đầy tang thương này trong các trang tiếp.

[1] G. GURVITCH, La vocation actuelle de la sociologie, q. 1.
[2] Trong Revue théologique de Louvain, 1973 tr. 9
[3] Sheila MAC MANUS FAHEY, Charismatic social action, New York, Paulist Press, 1977.
[4] N. BERDIAEFF, Un nouveau Moyen Âge, Paris, 1930, tr. 186-187
[5] J.M.R. TILLARD, ‘Vie religieuse ‘active’ et insertion dans le monde du travail’, trong Vie consacrée, 1977, số 5, tr. 266. Gần đây tác già còn cho xuất bản cuốn : Devant Dieu et pour le monde, Paris, Edit. du Cerf, 1974.
[6]  William BOOTH, Soldats sans fusils, tr.47.
[7] Lời trích của Olivier CLÉMENT, Le Monde, 16-17 tháng 7 năm 1978.
[8] Adrien DEMOUSTIER, s.j., ‘L’intervention de l’Esprit Saint’ trong Revue Christus, số 93, 1977, tr. 114.
[9]M. LEDRUS, ‘Fruits du Saint Esprit’, trong La vie spirituelle, 1947, tr. 717.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang