Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Chính trị hoá đức tin trong Giáo hội Trung Quốc

Tông thư 2007 của Đức Thánh Cha gây xôn xao nhưng đồng thời mang lại hy vọng

Tôi không muốn thừa nhận rằng Tông thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007 khơi lên chiến tranh. Nhưng nó thật sự bi kịch hơn thế nữa.

Khắp Trung Quốc nhiều tháng trước khi Tông thư được phát hành hôm 30-6 năm đó, người ta đồn tai nhau rằng những kẻ nắm quyền lực trong tay nhưng không có Chúa trong tâm hồn đang sợ hãi và lo âu.

Tông thư bị chặn lại chỉ vài giờ sau khi được đăng tải lên Internet. Những tháng sau đó, người ta chỉ xì xào bàn tán về Tông thư.

Vì lúc đó đa số người Công giáo Trung Quốc không lên mạng nên họ không thể đọc Tông thư ngay được. Việc chặn Tông thư còn nhằm hạn chế phát tán rộng khắp.

Tông thư gây căng thẳng cho Giáo hội Trung Quốc chẳng khác gì sự kiện phong thánh cho 120 Thánh Tử đạo Trung Quốc ngày 1-10-2000, Ngày Quốc khánh Trung Quốc, tạo ra và sau đó mối quan hệ giữa Trung Quốc và Toà Thánh trở nên xấu đi.

Nhà chức trách thường mang theo một chồng giấy tờ đến gặp các linh mục và hỏi: “Các anh đã đọc Tông thư chưa?” Khi chắc chắn là chúng tôi chưa đọc Tông thư, họ mới scan Tông thư và thuật lại một đoạn cho chúng tôi để “tuyên bố” họ kiểm soát thành công.

Một số linh mục can đảm công bố Tông thư trong giáo xứ. Các ngài photocopy và dán Tông thư lên tường lại bất cứ khi nào các bản photo này bị gỡ bỏ. Giữa cảnh sợ hãi và đe doạ, hàng giáo sĩ quảng bá Tông thư không bị cảnh cáo hay trừng phạt gì cả.

Nhưng bầu khí căng thẳng khiến đa số giám mục và linh mục khác hoảng sợ. Họ có thái độ thụ động đối với Tông thư để tránh gặp rắc rối không cần thiết. Tâm thế đó làm giảm tác động của Tông thư rất nhiều.

Tôi không thấy có nhiều người Công giáo nghiên cứu Tông thư một cách có hệ thống, cẩn thận và có tổ chức, ngoại trừ một vài cá nhân đăng tải phần ghi chú sau khi nghiên cứu Tông thư lên mạng.

Tôi cũng không biết có giám mục nào thật sự thực hiện tinh thần của Tông thư giữa các giáo sĩ của mình không. Một vài giám chức viết thư mục vụ nhưng có ít thư mục vụ dạy nội dung chính của Tông thư. Các giám mục khác bận quản lý công việc Giáo Hội giữa lúc khó khăn hoặc tiếp tục cảm thấy bất lực.

Chỉ có hai loại người thật sự quan tâm đến Tông thư: người Công giáo thuộc cộng đoàn “bí mật”, vì Đức Thánh Cha thu hồi tất cả các quyền được ban để giải quyết các công việc mục vụ cần thiết giữa những lúc khó khăn trong các thập niên trước; và thành viên Hội Công giáo Yêu nước (CPA), khi Đức Thánh Cha tuyên bố mục đích xúc tiến một Giáo Hội độc lập là không hợp với Giáo lý Công giáo.

Tông thư đe doạ tính hợp pháp của tổ chức này.

Như blogger người Công giáo tên là “Shanyulai” nhận xét: “Cộng đoàn Giáo Hội “công khai” bị lu mờ bởi việc CPA ‘không hợp với Giáo lý Công giáo’ trong khi cộng đoàn “bí mật” gặp ác mộng bị hy sinh vì mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Toà Thánh”.

Vì thế, tiếp cận Tông thư với một tâm tính méo mó gây ra những hậu quả xấu, và một số người Công giáo bí mật nghĩ nó báo hiệu ngày tận số của họ.

Trái lại, CPA rất tinh ranh và biết họ phải cưỡng ép thêm nhiều giám mục và linh mục làm việc cho họ để duy trì sự tồn tại.

Họ cẩn thận hoàn thành “các sự kiện lớn” trong những năm gần đây. Họ kỷ niệm 50 năm thành lập và “tự bầu và tự phong” giám mục lần lượt vào các năm 2007 và 2008. Họ tổ chức 10 lễ tấn phong giám mục hợp thức trong năm 2010 và kết thúc năm này bằng một lễ tấn phong bất hợp thức và triệu tập Đại hội Đại biểu Công giáo Toàn quốc. Năm 2011, có hai lễ phong chức giám mục bất hợp thức diễn ra.

Sau khi lợi dụng các giám mục, họ chơi bài lấy khẩu hiệu “truyền giáo” để bảo vệ địa vị của mình. Việc này dấy lên “các lo ngại” được Đức Bênêđictô XVI đề cập trong Tông thư.

Trong khi chính trị tiếp tục quấy rối đức tin của chúng ta, tôi xin nhắc lại Đức Thánh Cha không có ý gây chiến, đùa giỡn hay bày mưu lập kế gì cả, nhưng chỉ bày tỏ lòng nhân từ của ngài và tình yêu của Thiên Chúa.

Đức tin Công giáo chỉ quan tâm đến công lý, hoà bình, hoà giải và canh tân con người. Chính quyền nên từ bỏ tư tưởng thực dân cho rằng mọi người đang ăn hiếp Trung Quốc. Chúng ta không nên phủ nhận rằng các thừa sai hải ngoại đã phổ biến bác ái và hy sinh tính mạng mình tại Trung Quốc.

Ngày nay, chúng ta phải đọc lại Tông thư của Đức Thánh Cha và hiểu rằng mục đích của Tông thư không phải “giải quyết mọi chi tiết của những vấn đề phức tạp” nhưng là “đề ra những chỉ dẫn cho đời sống Giáo Hội và công tác truyền giáo ở Trung Quốc”.

Chúng ta phải bác bỏ bất kỳ tiếng nói nào cố tình gây nhầm lẫn hay làm lu mờ mục đích cao cả này.

LM Huabei (Bắc Kinh)

(Nguồn: UCAN)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang