Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Chiêm ngắm Mầu nhiệm Hoa Hồng

  “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”
Lời kinh thật quen thuộc. Lời kinh thật thân thương. Ta đã từng biết. Ta đã thường đọc. Có thể vì cho là biết [1], nên đã không cần tìm hiểu. Có thể vì thường đọc, nên đã trở thành bình thường và tầm thường, thậm chí coi thường. Tâm lý quen quá hoá thường. Thường quá hoá nhàm là chuyện thường. Có lẽ, vì “bụt nhà không thiêng”, vì quá quen, quá thường, nên Chúa Giêsu đã phải thốt lên: Chẳng có tiên tri nào được kính trọng ở quê hương mình… (x. Mc 6,4). Tầm thường mà lại phi thường. Cái phi thường lại nằm trong cái bình thường và tầm thường.

Nói đến kinh Kính Mừng, chúng ta chép miệng “thường”, chuyện biết rồi, khổ lắm nói mãi. Nhưng khi chiêm ngắm Mầu nhiệm Đoá Hoa Hồng là chúng ta tưởng niệm việc Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, do quyền năng của Chúa Thánh Thần, như thế là để minh thị việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua các mầu nhiệm về đời sống ẩn dật và công khai, về cuộc khổ nạn và chịu chết của Chúa Giêsu, ta thấy Con Thiên Chúa đã mặc khải Thiên Chúa Cha và giao hoà ta với Người. Đến các mầu nhiệm mừng chiến thắng và khải hoàn vinh quang của Chúa Giêsu, ta lại thấy Con Thiên Chúa làm người, lập công để cử Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để dẫn đưa chúng ta vào cuộc sống hạnh phúc của Chúa Ba Ngôi. Vậy cớ gì chúng ta lại không sùng kính và chiêm ngắm mầu nhiệm này? Nhưng sùng kính thế nào cho phải đạo?
Trong tông huấn về việc sùng kính Đức Mẹ qua những Đoá Hoa Hồng là lời kinh Kính Mừng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết: Ngoài việc hiệu năng tán tụng và cầu khẩn, phải cấp bách nhắc đến một yếu tố khác nữa của Kinh Mân Côi, đó là sự chiêm niệm. Thiếu chiêm niệm, Kinh Mân Côi sẽ giống như xác không hồn, lại có nguy cơ làm cho việc đọc kinh trở thành việc lặp đi lặp lại những công thức, nhưng vắng bóng tâm trí, tương phản với lời Chúa Giêsu khuyên nhủ: “Khi cầu nguyện, các con đừng có lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ  rằng, cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Kinh Mân Côi theo bản tính phải được đọc một cách thanh thản và khoan thai để cầu nguyện và dễ nghiền ngẫm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu như đã được chiêm ngắm của Đấng gần gũi Thiên Chúa hơn ai hết [2].
Nhưng hình như chúng ta có khuynh hướng đi ngược lại với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng. Có thể do thói quen, có thể nại công việc, chúng ta đọc Kinh Kính Mừng cho qua lần chiếu lệ. Miệng đọc, nhưng lòng chẳng suy. Thân xác hiện diện trong nhà nguyện, nhưng tâm trí lại ở phương trời nào. Tay cầm cỗ tràng hạt, miệng râm ran, nhưng lòng lại lan man du ngoạn. Thử hỏi chúng ta ngồi với người mình thương mến mà lại nghĩ viển vông và nói về một người xa lạ thì hẳn đối tượng sẽ buồn biết chừng nào! Người ta bảo rằng: yêu không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng. Từ đó ta có thể loại suy: đọc kinh thôi chưa đủ, nhưng cần phải chiêm ngắm, nghiệm suy. Việc đọc kinh, lần chuỗi Môi Khôi của chúng ta quả là điều bổ ích, hơn nữa, Thánh Đaminh lại quảng bá lời Kinh Kính Mừng, thì thật đúng với châm ngôn của dòng “Contemplare et contemplata aliis tradere” - Chiêm niệm và chuyển trao cho người khác điều mình chiêm niệm. Nhưng thiết tưởng, có rất nhiều người trong chúng ta ít đọc Kinh Kính Mừng, có người lại tỏ ra thờ ơ, nếu như không muốn nói là không đọc, vì cho rằng lời kinh thật nhàm chán, đơn điệu, cổ hũ, lỗi thời. Một số xứ đạo, cộng đoàn chúng ta lại đọc kinh quá nhanh thì e rằng thật khó cho việc nghiền ngẫm, suy tưởng.
Khi thích ai, người ai ta chiêm ngắm người mình yêu thích và tìm mọi cách để thu phục, bất chấp thời gian, chẳng kể gì nơi chốn, không màng tới thân phận, địa vị, giai cấp, bỏ qua hết, bất chấp tất cả, miễn là được chiêm ngắm người mình thương mến. Một cách điển hình, chúng ta thấy các cặp tình nhân vừa ngồi với nhau mà họ đã thấy trời sáng. Lạ thật! Họ mong thời gian ngừng trôi để được ở bên nhau mãi mãi.
Chiêm ngắm Mầu nhiệm Kinh Kính Mừng là chiêm ngắm Mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa, là con đường hiệu nghiệm để dẫn đưa ta đến gần Ngài. Quả vậy, khi chăm chú nhìn vô vật gì như bông hoa, bức hoạ, pho tượng, chậu cảnh, hình ảnh, con người, khung trời kỷ niệm… người ấy ngắm nghía, nhìn đi nhìn lại một cách kỹ lưỡng, hay ngôn ngữ bình dân ta vẫn thường nói “dán mắt vào”. Đẹp thì ngắm, thích thì nhìn. Cảnh vật, con người xinh đẹp tuyệt trần bao nhiêu thì càng làm cho người ngắm nghía say mê và thích thú bấy nhiêu. Nếu bảo rằng Lời Kinh Kính Mừng rất Đẹp mà lại không đọc, đọc cho qua lần chiếu lệ, hay đọc quá nhanh đến nỗi không kịp suy tưởng và nghiền ngẫm, thì chúng ta chưa thật lòng. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Hồn Hảo, Vô Song, Tuyệt Mỹ, Tối Cao, là Đấng Chí Thánh, Chí Tôn, Ngàn Trùng Chí Thánh, chẳng lẽ, lại không “Đẹp” để ta chiêm ngắm? Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo rằng: Chỉ cái đẹp của Thiên Chúa mới làm cho lòng con ngất ngây.
Tất nhiên, không thể lấy con mắt giác quan mà nhìn những sự vật thiêng liêng vô hình như những chân lý trừu tượng; để nhìn những chân lý ấy, cần phải nhìn bằng con mắt trí khôn, nghĩa là phải tư duy, phải nghĩ tưởng. Khi ta xếp đặt những tư tưởng, những quan niệm một cách có hệ thống và mạch lạc, để nhờ những điều đã biết mà nhận ra những điều chưa biết, thì gọi là suy luận, là chứng minh, là làm sáng tỏ một chân lý, là chiêm niệm, là nghiệm suy.
Cuốn sách mang tựa đề “Mầu nhiệm Kinh Mân Côi” có đoạn viết: “Khi suy tưởng về Thượng Đế như chủ tể càn khôn, ta có thể dùng nguyên ánh sáng tự nhiên của lý trí, như các nhà hiền triết Hy Lạp xưa vẫn làm. Muôn vật trong vũ trụ và những kỳ diệu của chúng đã thức tỉnh óc tò mò, thúc đẩy các nhà hiền triết ấy tìm tòi nguyên nhân, và truy nguyên mãi cho đến nguyên nhân đệ nhất, đến Đấng Chí Thiện. Để nhận ra Thiên Chúa như chủ tể của phạm vi ân sủng tự nhiên, siêu nhiên, người tín hữu không những dùng ánh sáng của lý trí, mà còn phải nhờ ánh sáng siêu nhiên của đức tin. Vậy khi ta tập trung mọi nghị lực của trí khôn, đã được ánh sáng siêu nhiên của đức tin soi dẫn, để nghiền ngẫm những thực tại siêu nhiên, như những mầu nhiệm đức tin, thì đó là ta đã suy niệm hay chiêm niệm rồi vậy. Mà những mầu nhiệm đức tin là những chân lý, những thực tại cao cả và quý giá tuyệt vời, nên việc suy niệm những mầu nhiệm ấy hẳn sẽ cho chúng ta thích thú, say mê”[3].
Nói thì vậy, nhưng thực hiện lại là chuyện khác. Từ lời nói đến thực hành là khoảng cách rất xa. Người viết không phủ nhận. Chuyện hà tất, miễn bàn. “It’s easier said than done” - nói thì dễ hơn là làm. Vâng, cái gì cũng có giá của nó. Đúng là khó làm, khó hiểu, có vẻ phức tạp, trừu tượng, nhưng không phải không làm được. Đơn giản chỉ là nghiền ngẫm và suy tưởng việc ta làm. Và khi suy tưởng cùng với niềm tin và ân sủng siêu nhiên sẽ giúp ta hiểu thấu ngọn nguồn.
Nếu được phép so sánh các Mầu nhiệm Đoá Hồng trong Kinh Kính Mừng như sợi dây nối kết các hạt trong chuỗi Mân Côi, thì ta có thể nói rằng: sự suy niệm cũng cần thiết cho Kinh Mân Côi như sợi dây xuyên suốt trong cỗ tràng hạt. Việc suy niệm các mầu nhiệm quả là cần thiết để lần chuỗi Mân Côi cho sốt sắng và bổ ích.
Thật vậy, ta không thể chiếm hữu các mầu nhiệm nếu không tin nhận; nhưng tin nhận mà không nghiền ngẫm thì không hấp thụ và không thưởng thức được sức soi sáng và nghị lực giải phóng, bồi dưỡng cùng thánh hoá của các mầu nhiệm ấy. Cũng như ăn mà chỉ nuốt chứ không nhai, thì dễ gì tiêu hoá nổi, huống hồ là cảm nghiệm những mỹ vị, bùi ngọt của thức ăn.
Nhờ đức tin, ta đón nhận các mầu nhiệm; nhờ suy niệm, ta làm quen, ta thấu đáo và ta mến chuộng các mầu nhiệm ta tin. Nhờ đức tin, ta tiếp thu những thực tại của đời sống vĩnh cửu; nhờ suy niệm ta hướng cuộc đời tạm bợ về đời sống vĩnh cửu, như nghĩa vụ đòi buộc, theo lời Thánh Phaolô: “Chúng ta là những người không chú tâm đến những vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Thực vậy, những vật hữu hình thì tạm bợ, còn những thực tại vô hình mới vĩnh cửu” (2 Cr 4,18).
Không biết quý độc giả có phản ứng gì, riêng người viết cảm thấy có phần tương phản. Bởi thực tại hữu hình còn chưa hiểu, huống hồ là vô hình. Nói thế khác nào ăn cơm trần thế mà nói chuyện trên trời. Nhưng không, con người là sự kết hợp giữa thể xác và tâm linh. Không thể tách linh hồn ra khỏi thân xác và ngược lại. Thân xác và linh hồn hoà quyện vào nhau như hai mặt của một tờ giấy. Thân xác bồi bổ cho linh hồn, linh hồn đỡ nâng thân xác. Chính vì thế khi nguyện ngắm cần phải chiêm niệm, nghiệm suy cùng với ân sủng và con mắt đức tin sẽ giúp ta thấu hiểu ngọn nguồn; và khi thấu hiểu sẽ làm ta say đắm, chất ngất, đê mê.
Tháng 5, Tháng Hoa dâng Kính Mẹ, xin cho chúng con biết chiêm ngắm và nghiền ngẫm mầu mhiệm những Đoá Hồng là lời Kinh Kính Mừng với tấm lòng yêu mến và kính tôn. Xin cho những Đoá Hồng Mầu Nhiệm trở nên nguồn ân phúc thánh thiện và là thần dược chữa lành mọi thương tích.
 “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…
_____________________________
[1] Biết ở đây là hời hợt, biết qua loa, sơ sài. Cái biết ấy không thể mang lại giá trị thực, có khi nguy hiểm nữa là khác.
[2] Marialis Cultus, 17, ASS 1994, tr. 156, trích bản dịch trong sách “Mầu nhiệm Kinh Mân Côi”, tr. 54.
[3] Mầu nhiệm Kinh Mân Côi, tr. 56.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang