Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Vực Thẳm Mọc Cánh


 
"Hosana! Hosana..." Mọi người vỗ tay reo mừng khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem... "Hosana! Hosana..." Mọi người đồng loạt giơ cao nắm đấm, phồng mang trợn má thét lên: "Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!"

Hỏi ai khi làm người, mà không ít là một lần có cảm giác bị bỏ rơi, bị khước từ, bị chà đạp, bị dập nát... Đã làm người, ai cũng có lần đau đáu tận con tim, từ những bạc bẽo và phản bội của chính đồng loại mình. Thi sĩ "điên" Bùi Giáng thật sâu sắc khi cho biết kiếp người như vóc dáng người con gái giữa đêm đen lầm lũi lê bước trên cuộc đời trớ trêu này:
"Em con gái, hai bàn chân em bước,
 Hai tay em, ôm buồng phổi em ho."


Con người giữa phố xá đông người, nhưng chợt nhận thấy mình quá cô quạnh. Muốn gào thét mà hình như chẳng có tiếng đáp trả, mà cho dù có tiếng đáp trả, thì cũng chỉ là tiếng hòa âm lạc điệu lạc tông, làm thêm chói tai đến điếng cả châu thân. Những người thân quen đã từng chung vai sát cánh buồn vui bên nhau lại trở thành kẻ xa lạ. Ai mà có thể nghe được tiếng nói từ đỉnh cao ngọn núi khi tất cả đều đang đắm đuối dưới vực thẳm tối đen!

Thầy Giêsu vẫn gào thét trong im lặng, dù biết rằng tiếng gào đó thật cô liêu, tưởng chừng như đi vào hư vô tịch lặng. Khi kiếp người ở giữa sống-chết, khi án tử đang xích lại gần tính theo từng hơi thở, sự khao khát sống của Thầy càng trở nên mãnh liệt, tha thiết đến độ chìm vào thinh lặng và chiêm ngắm. Chiêm ngắm và nâng niu từng bàn chân bám đầy bụi trần của đồ đệ, rửa sao cho kỹ cho sạch. Thầy làm một cách kính cẩn như đang nắn nót viết lên một bản tình ca sau cùng cho những kẻ còn xa lạ với mình lắm.

Thế mà, bản tình ca ấy lại bị xé toạc ra ngay sau đó. Thầy trở nên trần trụi đến thảm thương. Thế nhưng, bản tình ca này vẫn tấu lên trong tiếng solo không hòa âm. Tiếng solo ấy vẫn cất lên thật cô quạnh nhưng hình như vẫn không đến được tai người nghe thì phải. Con người này bỗng cảm thấy nhói thốn trong lồng ngực khi quay nhìn người bạn mà đã được chọn thay mình. Chính cái nhìn như tia sáng mặt trời của bình minh chiếu thẳng qua bức màn cửa sổ và chạm vào con người đang ngái ngủ, đã làm thay đổi mọi tình thế sau này.

Trần gian là hỏa ngục cũng đúng. Trần gian là buồn nôn cũng không sai. Trần gian là bể khổ cũng có thể chính xác. Trần gian là như thế này thế nọ cũng được mà! Có thể ai cũng đúng, mà cũng có thể ai cũng sai cả. Nhưng thế nào là đúng? và thế nào là sai? Thầy Giêsu nói đúng đó nhưng tại sao "ông lại đánh tôi"? Kẻ nói đúng thì lại phải chết, vậy thì kẻ kia còn sống đúng hay sai? Không kẻ nào đúng mà lại nói mình sai, cũng như chắc gì kẻ làm sai mà lại nói mình sai bao giờ, vì kẻ làm sai vẫn nghĩ mình làm đúng thì sao? Cũng cùng thời gian, kẻ thì nói tôi thấy mặt trăng, nhưng kẻ bên kia lại nói tôi thấy mặt trời, nhưng cũng có kẻ lại nói "tôi chẳng thấy cái gì cả..."

Chỉ có kẻ biết mình đang ở dưới vực thẳm thì mới biết nhìn lên đỉnh núi. Nếu kẻ không thấy mình đang ở vực thẳm thì không bao giờ khát khao đi lên đỉnh núi. Vậy, khi biết ta ở dưới vực thẳm thì cũng đồng thời ta đã biết đỉnh núi. Chính lúc này đây, con người sẽ khám phá ra rằng đỉnh núi cao ngất kia và vực thẳm đen tối này thực ra chỉ là một. Chính vì thế, Nietzsche đã hét bên hố thẳm: "Con người yêu vực thẳm thì phải mọc cánh."
Thầy Giêsu đã nhảy bổ xuống tận vực thẳm để nô đùa cả với sâu bọ, đùa đến nỗi đời Thầy bỗng thành điêu linh. Thầy chơi đến tận cùng và chơi rất điệu nghệ, điệu nghệ đến độ chính Thầy lại chấp nhận trở thành trò chơi cho thiên hạ vui thích.

Điêu linh vì trần trụi tột cùng, bị lấy đi tất cả. Cái trần trụi mà Thầy đau đáu đến tận cốt tủy nhất chính là Thầy bị lấy đi cả chỗ dựa duy nhất bấy lâu nay: "Sao Cha bỏ rơi con!" Thầy chẳng còn gì để nghèo hơn nữa, khi chốn cho Cha ngự trị trong cõi thẳm của lòng mình giờ đây chỉ còn là chốn vắng bóng hoang vu đến rợn người. Đây là một thách đố lớn nhất của kẻ tin. Người Con đã thực thi và sắp sửa hoàn tất bổn phận mà Cha giao phó, mà phút cuối giữa hơi thở sinh-tử mà không được một tia sáng le lói ủi an trong vực thẳm hun hút vô tận. Bàng hoàng. Sợ hãi. Tê dại.

Run rẩy khi biết mình đang bị lấy đi tất cả, và trở nên xơ xác một cách thảm thương. "Sao Cha bỏ rơi con" cũng là tiếng nói ẩn chứa sự tin tưởng tuyệt đối, nhưng lại phảng phất chút giận dỗi như tâm trạng người anh cả trước người cha mở tiệc cho người em đi hoang trở về. Nỗi trống vắng hiện sinh là nỗi đớn đau hơn mọi nỗi đau khác, vì con người sinh ra để cho và nhận, thế mà cho nhưng chẳng ai thèm nhận, thèm nhận mà chẳng kẻ nào cho, hỏi mà không ai đáp trả, van xin mà chỉ thấy im lặng. Thế nên Thầy mới lấy hết sức bình sinh thều thào trong cõi hư vô: "Tôi khát". Tiếng thều thào "tôi khát" là tâm tình muốn cho đi nữa, cho đi hết, dù trước thái độ lãnh đạm của đối tượng mà mình yêu đến tận cùng. Tình yêu ở đây sẽ là tình yêu thật nghẹn ngào nấc mãi nấc hoài vì không ai thèm đáp, nên hạnh phúc không được thành hình nơi kẻ trao ban.


Còn lại vẫn chỉ là cõi lặng, một cõi lặng vô cùng ngạo nghễ và thách thức!

Ai cũng hoảng sợ nỗi trống vắng thể chất, nhưng sợ hơn nữa nếu đó là nỗi trống vắng hiện sinh, là chỉ còn lại mình với mình giữa đất trời bao la hun hút ngút ngàn trong đêm đen. Càng trống vắng thì càng xuất hiện những câu hỏi, nhưng mỗi câu hỏi trong trống vắng đều hàm chứa câu trả lời cho những câu hỏi kết tiếp... Và cứ thế cho đến khi không hỏi được nữa vì ngôn ngữ sẽ không còn hiệu quả. Ngôn ngữ không lên tiếng có nghĩa là cõi lặng bắt đầu lên tiếng. Đối diện với cõi lặng, là đối diện với sự sụp đổ mọi giá trị bây lâu nay, mọi ngã tính đều bị ngã gục. Cõi lặng làm lộn ngược và bung mở tâm hồn sâu thẳm dưới ánh sáng mặt trời. Nhận ra tiếng nói của cõi lặng cũng chính là nhận biết được vực thẳm tối đen và đỉnh cao chót vót chói lòa.
Tận sâu thẳm tâm hồn một con người có vô số ngã tính. Trước khi cõi lặng xâm chiếm trọn tâm hồn, mọi ngã tính sẽ bùng lên chiến đấu rất dữ dội. Đó là những ngã tính chồng chất từ khi còn trong dạ mẹ cho đến hiện tại, và những ngã tính vẫn đang liên tục nảy sinh. Tất cả những gì hiện diện trong quá khứ, hiện tại, tương lai của một con người đều vẫn còn đó, đều bám chặt vào con người đó, trở nên một phần của con người đó, và sẽ lại tăng trưởng sinh sôi thêm. Ngã tính chồng chất ngã tính.

Cõi lặng chỉ có thể chạm vào một người khi mọi ngã tính trong người đó bị đánh bại và ngã gục, khi ấy tâm hồn sẽ trở nên trong suốt và thanh tịnh. Tâm hồn thanh tịnh là tâm hồn không còn phân biệt giữa yêu-ghét, hay bất cứ sự gì. Một thiền sư nào đó đã có lý khi nói: "Chỉ cần một chút phân biệt nhỏ giữa yêu và ghét, đã có sự ngăn cách lớn giữa Niết Bàn và thế tục." Thế nên, để dễ dàng vung cánh bay lên đỉnh núi cũng có nghĩa là để cho lần lượt từng ngã tính được rũ xả. Tâm hồn sẽ càng đi đến thanh tịnh trong suốt khi con người bị lôi vào nỗi cô đơn thể chất cho đến nỗi trống vắng hiện sinh đến cùng tận.

Càng trống vắng hiện sinh, càng thấy mình không còn là mình nữa. Mình không còn là cái đớn đau, cái tủi hổ, cái khao khát, cái yêu cái ghét... Thì lúc này đây, vực thẳm chấp cánh bay cao: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc, 23, 46). Có phải đây là thời khắc òa vỡ của sự "biết" vực thẳm và đỉnh cao đang kết hôn? Hay là một quyết định sau cùng và dứt khoát để trao trọn tất cả những gì là mình, những gì thuộc về mình... cho Cha? Im lặng trả lời cho im lặng.

Và, tất cả còn lại là khoảng trống rỗng vô tận, bức màn tăm tối của vực thẳm được mở toang để cho Ánh Sáng Vinh Quang Vạn Thể Càn Khôn tỏa khắp, và tỏa khắp cho đến ngày hôm nay, và mãi mãi... cho bạn, cho tôi, cho tất cả...
Bạn có thấy không?

Xách nước qua đây,
Đai tre ải đứt,
Thùng vỡ đáy tung,
Nước ào ra hết,
Đâu còn đáy nước trăng trong,
Hư không còn lại tay không hững hờ.

Lm  Trầm Ly

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang