Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Hạt giống Lời Chúa Tháng 11



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô(Mc 12, 38-44).

   Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn". 

    Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình".

    
  Đó là lời Chúa.
Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG XXXII TN-B
Ánh Mắt Thiên Chúa
 ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trg 3
Đồng Kẽm Đồng Xu Của Tôi Đâu?
 Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Trg 5
Tấm Lòng Cho Đi
 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Trg 7
Làm Việc Nhỏ Với Một Tình Yêu Lớn
 Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Trg 9
Cần Có Một Tấm Lòng
 Lm. John Nguyễn
Trg 11
Hai Đồng Kẽm Với Lòng Chân Thành
 Lm. Paul Nguyễn Nguyên
Trg 13
Dâng Cho Chúa
 PM. Cao Huy Hoàng
Trg 15
Coi Chừng Hàng Giả
AM. Trần Bình An
Trg 18
      THƠ TIN MỪNG
Tín Thác
     Lm. Pet Vĩnh Tiến
Trg 20
Chớ Qúa Vị Kỷ
    Thế Kiên Dominic
Trg 20
Dâng Cả Gia Tài
    Lm. Khuất Dũng sss
Trg 21
Phúc Phần Thiên Thu
     Đỗ Văn
Trg 22
Đồng Tiền Thơm Thảo
    Nt. Bích Ngọc
Trg 23
Hai Trinh Quí Giá
    Scholastica
Trg 24
Lòng Tin Thành Tín
    Cát Vàng
Trg 25
Hai Đồng Tiền
    Vincent Khánh Trần
Trg 26
Một Tấm Lòng
    Song Lam
Trg 27
Phúc Thiên Đường
    Hương Sion
Trg 28
Bài Học Dâng Hiến
    Monica Lệ Thi
Trg 29
Ánh Mắt Giêsu
    Hạt Nắng
Trg 30
Bài Học Cho Đi
    Bâng Khuâng Chiều Tím
Trg 31
Bài Ca Hiến Dâng
    Nắng Sài Gòn
Trg 32
Tín Thác
    AP. Mặc Trầm Cung
Trg 33

 


ÁNH MẮT THIÊN CHÚA

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


Người làm sao chiêm bao làm vậy. Tâm hồn thế nào sẽ bộc lộ ra trong ánh mắt thế ấy. Hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trước cửa đền thờ Giêrusalem quan sát những người bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ. Người đã thấy. Và đã phán đoán. Qua cách quan sát và phán đoán ta có thể thấy được tâm hồn của Người.

Chúa quan tâm tới những người bé nhỏ. Hàng hàng lớp lớp người tiến đến dâng cúng. Tin Mừng thuật lại: “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Thật lạ lùng. Biết bao nhiêu người Chúa chẳng quan tâm, chỉ quan tâm tới một người bé nhỏ nhất. Chúa chỉ quan tâm tới một người nghèo nhất. Một bà góa. Bà góa này chắc chắn phải gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nhưng Chúa đã chú ý đến bà. Người ta bảo tìm gì gặp nấy. Chúa yêu thương những người bé nhỏ, nên quan tâm tới người bé nhỏ và chỉ nhìn thấy những người bé nhỏ. Ánh mắt quan tâm nên nhìn thấy rõ, dù người đó bé nhỏ, lạc giữa đám đông. Ánh mắt yêu thương nên thấy người đó thật đẹp dù ăn mặc rất đơn sơ, hình dáng rất tiều tụy. Quả thật trái tim Chúa nhân hiền như người mục tử tốt lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc còm cõi. Như người phụ nữ đốt đèn tìm một đồng tiền nhỏ bé rơi trong góc nhà.

Chúa nhìn bên trong tâm hồn. Biết bao người giàu sang béo tốt quần là áo lụa, nhưng Chúa không nhìn. Chúa chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy gò, rách rưới. Biết bao người dâng cúng tiền rừng bạc biển mà Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen người phụ nữ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ. Không những khen mà Chúa còn cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác. Thì ra Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Chúa đã nhìn thấu tâm hồn của bà. Một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa và với công việc nhà Chúa. Chúa đã thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay vừa cảnh tỉnh tôi vừa dạy dỗ tôi về cách sống đạo và về cách nhìn người.

Về cách nhìn người, Chúa dạy tôi đừng chạy theo những người giàu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy biết chú ý tới những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội. Đừng xét đoán người theo hình dáng bề ngoài, theo y phục hay theo tiền của. Hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người. Có những người có địa vị cao nhưng tâm hồn lại thấp hèn. Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng. Có những người giàu có nhưng rất bủn xỉn. Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.

Vì thế trong đời sống đạo, Chúa dạy tôi đừng giả hình vì Chúa nhìn thấu rõ tâm hồn. Tôi có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối Chúa. Đừng khoe khoang kiêu ngạo vì Chúa chỉ yêu thích tâm hồn bé nhỏ khiêm nhường. Đừng tìm chỗ đứng trong xã hội, trước mặt người đời, nhưng hãy tìm chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1- Trong Phúc Âm ta thấy Chúa quan tâm tới những người nào?
2- Chúa đánh giá người ta theo hình dáng bên ngoài hay tâm tình bên trong?
3- Vì sao Chúa khen bà goá dù bà bỏ rất ít tiền vào nhà thờ?
4- Bản thân tôi rút được bài học gì qua bài Tin Mừng hôm nay?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



ĐỒNG KẼM ĐỒNG XU CỦA TÔI ĐÂU?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Trong những ngày cuối niên lịch phụng vụ, khi mà Hội Thánh muốn mọi Ki-tô hữu suy niệm nhiều về các chân lý thời sau hết (tứ chung), chúng ta được mời gọi hướng tư tưởng về ngày ‘phán xét’, khi mỗi người đều phải ‘đứng trước mặt vị thẩm phán chí công’. Để chuẩn bị cho ngày đó, vấn nạn được đặt ra sẽ là: vị Thẩm Phán sẽ dùng tiêu chuẩn nào để phán xét tôi, cái ‘chí công’ của Ngài sẽ là thế nào? Trình thuật Mác-cô hôm nay, được đặt ngay trước bài giảng dài về cánh chung trong chương 13, chắc hẳn phải soi chiếu một điều gì đó vào các vấn nạn trên. Mong rằng nó sẽ mang lại một giải đáp đầy an ủi mang tính Tin Mừng thật sự cho cái viễn tượng phán xét thường vẫn tạo nên bao hãi hùng kinh khiếp.

Thẩm Phán chí công sẽ xét xử theo tiêu chuẩn nào? Người ta vẫn thường dạy rằng Thiên Chúa phán xét mỗi người theo công tội họ đã làm trong cuộc sống: nếu là người lương thiện ngay lành tôi sẽ được thưởng, còn nếu làm điều dữ điều trái tôi sẽ bị án phạt muôn kiếp. Theo tiêu chuẩn này, tôi sẽ là người hoàn toàn trách nhiệm và chủ động, ơn thánh Chúa chỉ đóng vai trò trợ giúp. Tuy nhiên Giáo lý Công giáo lại dạy rằng, ơn cứu độ của Đức Ki-tô là cần thiết (essential) cho hết thảy mọi người, vì mọi người đều phạm tội. Nếu quả như thế thì quan niệm phán xét nêu trên có điều gì đó không ổn. Không một ai, cho dầu có cố gắng tu luyện tới đâu đi nữa, có thể ra trước tòa phán xét ‘xúng xính trong bộ áo thụng… đáng chiếm ghế danh dự’ vì đinh ninh rằng khi còn sống mình đã thu tích đủ ‘công nghiệp’ để đáng được thưởng công. Trước mặt vị Thẩm phán chí thánh chí công đó, mọi người đều chỉ là ‘đầy tớ vô dụng’ (Lc 17,10). Thế nhưng may mắn thay trong ngày phán xét, vị Thẩm Phán lại cũng chính là Giê-su đang “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ… quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”. Người sẽ không khen thưởng những kẻ bỏ thật nhiều tiền vào thùng, nhưng lại đề cao‘một bà góa nghèo’, vì bà đã dâng cúng vào đền thờ ‘hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu’ mà bà đã ‘rút ra từ cái túng thiếu của mình’. Như thế để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ra trước vị Thẩm Phán chí công, tôi rất cần biết cái ‘rút ra từ cái túng thiếu của mình’ đó có nghĩa là gì? Làm thế nào để Ngài cũng sẽ gọi các thần thánh lại, chỉ vào tôi và nói: “tên nghèo nàn đốn mạt này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”.

‘Đồng tiền kẽm… rút ra từ cái túng thiếu chắc chắn không phải là các việc lành phúc đức tôi đã làm trong đời, các thành công hoành tráng để có thể xứng đáng được ‘người ta chào hỏi’ tung hô trên thiên quốc. Đó phải là những gì mãi mãi vẫn là vô giá trị như những đồng kẽm, đồng xu trước mặt người đời, nhưng lại vô cùng quí hóa trước Thiên Chúa từ nhân. Phải chăng đó là những cố gắng, những nỗ lực vươn lên khỏi sự thấp hèn yếu đuối tột cùng của mình, nhưng đã thất bại, sụp đổ hoàn toàn, chẳng đi tới đâu. Sẽ chẳng bao giờ có ai trong đời, ngay cả chính tôi, đánh giá cao những điều đó, nếu không có cặp mắt ‘quan sát’ vô cùng chí công nhưng nhân hậu của Đức Giê-su. Có thể như phần đa mọi người, tôi phải thừa nhận, bất chấp nỗ lực cố gắng, đời mình thành đạt không nhiều, nhưng thất bại thì lắm. “Điều tôi muốn thì tôi không làm, còn điều tôi ghét thì tôi cứ làm’ (Rm 7,15). Rất nhiều khi tôi thấy mặc cảm và thất vọng vô cùng về các yếu đuối, sa ngã mình vướng mắc.

May mắn thay, trong niềm tin vào Thiên Chúa từ nhân, suy đi nghĩ lại tôi còn thấy đời mình - và rất có thể nhiều mảnh đời khác nữa - không thiếu những đồng kẽm đồng xu của các nỗ lực vô vọng này. Vì tuy được tạo nên ‘nhân chi sơ tính bản thiện’ và mang ‘hình ảnh của Thiên Chúa’, kiếp sống ô trọc nào mà không tránh khỏi các bất toàn yếu đuối. Do đó điều quan trọng nhất trong đời chưa hẳn là tránh được tội lỗi, nhưng là làm sao tranh thủ được cặp mắt ‘quan sát’ đầy từ tâm; cặp mắt từng nhận ra giá trị của ‘đồng kẽm’ nơi bà góa, đồng xu nơi Phê-rô, nhưng lại không tìm thấy nơi các Biệt phái. Chỉ có thế, và ngày phán xét sẽ đâu còn gì đáng sợ nữa đâu!

Mẹ Têrêxa Calcutta hay lặp lại câu nói sau đây: “Chúa không muốn nhìn thấy bao nhiêu việc bác ái tôi đã làm, nhưng ngài muốn nhìn thấy bao nhiêu bác ái tôi đã nỗ lực đem vào các công việc của tôi”. Hình như Lời Chúa hôm nay cũng nhắc lại cùng một chân lý đó: Chúa không phán xét tôi căn cứ vào những gì tôi đạt được, nhưng cặp mắt nhân ái Người muốn tìm thấy nơi tôi những đồng kẽm nhỏ nhoi của nỗ lực vươn lên thầm kín trong mọi tình huống cuộc đời. “Còn bà này thì rút ra từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản” hẳn mang nội dung rất an ủi đó chăng?

Nếu quả là như thế, thì cho những người yếu đuối và tội lỗi như tôi, Tin Mừng đích thực chính là đây, Tin Mừng có khả năng làm cho đứa con hoang đàng hay tên cướp bị tử hình trên thập giá, thay vì hãi sợ, sẽ ra trước vị Thẩm Phán ‘đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu rỗi’ (Lc 21,28).

“Hãy tạ ơn Chúa vì ngài nhân lành, vì tình thương của ngài bền vững muôn năm!”
Lạy Chúa, con muốn cất lời ca ngợi lòng thương xót hải hà của Chúa, khi sống và nhất là trong giờ chết. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB


TẤM LÒNG CHO ĐI
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Nếu hỏi rằng ai là người có giá trị trong cuộc đời của bạn? Có lẽ không phải là người có tiền, có địa vị mà là người đã từng hy sinh cho bạn. Nếu hỏi rằng ai là người có ích với bạn? Có lẽ không phải là người có quyền lực, có danh giá mà là người tận tuỵ dìu dắt bạn. Vậy theo bạn ai là người nghèo đáng thương nhất trong cuộc đời? Có lẽ người nghèo đáng thương nhất là người không có tấm lòng để cho. Sự ích kỷ đã đẩy họ đến bần cùng đến nỗi không mua được bạn bè, không mua được niềm vui của sự trao ban. Sự tham lam đã khiến họ chơi bần với anh em, dẫn đến sự xa cách lạnh lùng.

Có một gia đình kia rất giầu có. Một hôm ông bố dẫn con về quê với ý định cho con thấy người nghèo sống ra sao. Hai bố con ở chơi mấy ngày với một gia đình nông dân mà người ta vẫn coi là rất nghèo trong làng.
Lúc trở về, ông bố hỏi con: “Con đã thấy người nghèo sống ra sao?”
Đứa con trả lời: “Cám ơn bố đã cho con thấy mình nghèo như thế nào. Còn họ thật giầu có.”
 Ông bố hỏi lại: “Tại sao con lại nghĩ thế?”
 Đứa con trả lời: “Con thấy chúng ta chỉ có một con chó, họ có tới 4 con. Chúng ta chỉ có một cái hồ cỏn con ở giữa vườn, còn họ có dòng sông dài đến vô tận. Chúng ta chỉ có mấy cái đèn ngoài vườn, còn ban đêm họ có bao nhiêu là sao sáng. Trước nhà chúng ta chỉ giới hạn ở trước sân vườn, còn trước nhà họ là không gian mênh mông đến tận chân trời. Chúng ta chỉ sống trên mảnh đất bé nhỏ, còn họ có ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay. Chúng ta có gia nhân phục vụ nhưng họ chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta phải mua thực phẩm nhưng họ tự tay trồng lấy lúa rau. Chúng ta có tường rào vây quanh bảo vệ, nhưng họ có bạn hữu bảo vệ . . .”.  Ông bố nghe mà cứ ngẩn ngơ người, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nhận xét thật đơn sơ của đứa con.

Bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu cũng đưa ra hai nhận định khác nhau về hai loại người. Nhận định thứ nhất về nhóm biệt phái, đại diện cho thành phần có chức có quyền. Nhận định thứ hai về bà goá nghèo, đại diện cho những con người thấp hèn, nghèo đói. Cả hai đều lên đền thờ với hai thái độ khác nhau. Bà goá nghèo khiêm tốn. Nhóm biệt phái giầu có lại kiêu căng. Bà goá nghèo dâng tất cả những gì mình có cho Chúa. Người biệt phái chỉ có lòng tự cao tự đại.

Nhóm biệt phái là những công chức đền thờ nhưng không đóng góp của chung mà chỉ lợi dụng để lấy của chung thành của riêng. Họ là những người giầu có nhưng lòng họ chất chứa đầy sự kiêu căng, vụ lợi đến nỗi không còn lòng quảng đại để cho đi.

Bà goá nghèo tiền, nghèo của nhưng lại giầu tấm lòng. Bà thành kính lên đền thờ với thái độ khiêm tốn thẳm sâu trước nơi cực thánh của Chúa. Bà đã dâng tất cả những gì mình có cho Chúa, dù chỉ là một đồng xu nhỏ bé.

Chúa đã khen ngợi tấm lòng bà goá. Một tấm lòng chân thành và quảng đại. Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Kẻ không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng.

Thực vậy, sự giầu có về vật chất đôi khi làm con người nghèo khó về tinh thần. Sự nghèo khó vật chất đôi khi lại thảnh thơi tâm hồn. Kẻ tham lam thường nghèo đói về lòng nhân ái. Kẻ biết sống khó nghèo thường chứa chan tình yêu. Kẻ có chức có quyền dễ mất tính bao dung và thương xót. Kẻ khốn cùng dễ cảm thông với bất hạnh bần cùng của tha nhân.

Xét cho cùng, sự giầu có không hệ tại ở đồng tiền hay chức vị. Sự giầu có hệ tại ở những tương quan với đồng loại. Do vậy, điều mà con người cần tích lũy không phải là của cải trần gian mà là tình yêu đối với tha nhân. Điều mà con người thu gom không phải là hàng hoá xa sỉ phẩm mà là từng nghĩa cử cao đẹp chúng ta dành cho đồng loại.

Kẻ có chức có quyền càng bị kết án nặng hơn nếu họ không biết dùng địa vị của mình để phục vụ một cách vô vị lợi. Chính họ không những phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự ích kỷ của mình, mà còn mất đi cơ hội mua lấy bạn hữu Nước Trời bằng tấm lòng rộng lượng của mình.

Mỗi người chúng ta chỉ là những quản lý của Chúa, hãy biết đón nhận trong sự khiêm tốn và biết trao ban cho anh em theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta có, đều nhận lãnh do lòng quảng đại của Chúa. Do đó, những gì chúng ta cho, không phải chúng ta cho của riêng mình, nhưng là giao lại cho người khác những gì thuộc về Chúa. Dù vậy Chúa vẫn thưởng công cho chúng ta. Vì Chúa đã từng nói:  “Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

LÀM VIỆC NHỎ VỚI MỘT TÌNH YÊU LỚN
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Chúa Giê-su quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Ngài thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân. Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giê-su cho rằng bà goá nầy đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác, vì tuy họ bỏ nhiều tiền nhưng không nhiều tình yêu.

Giá trị của một món quà
Đối với Chúa Giê-su, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người cho đặt vào trong món quà.

Nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà ta chẳng muốn cho. Nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo một mối căm hờn.
Trái lại, khi đứa con nhỏ trong nhà muốn mừng kỷ niệm hôn phối ba mẹ mà chẳng có gì để dâng, em lặn lội vào rừng ngắt một bông hoa dại nhỏ bé, đem về dâng lên ba mẹ với tất cả tình yêu thương. Chắc chắn ba mẹ em rất cảm động vì cảm nhận được nhiều yêu thương chứa đựng trong món quà bé nhỏ nầy.

Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Người nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả to lớn mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành rỗng không và chẳng có giá trị gì.

Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi tín hữu Côrintô, từng khẳng định cách mạnh mẽ điều nầy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (ICr 13, 1-3)

Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn
Mẹ Tê-rê-xa Calcutta cảm nhận sâu sắc bài học trên đây của Thánh Phaolô nên Mẹ không chủ trương làm những công việc lớn, nhưng thường xuyên làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Trong bức thư gửi cho Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Mẹ Tê-rê-xa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công tác ta làm, nhưng là mức độ tình yêu mà ta đặt vào trong mỗi công tác.” Thế nên, khi tiếp xúc với bất cứ ai, Mẹ Têrêxa đem hết lòng yêu thương người ấy như thể đó là người duy nhất trên đời trong giây phút đó.

Cảm hứng từ bức thư trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta, Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận viết: “Kinh nghiệm đó đã củng cố trong tôi ý niệm là phải sống mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc đời ta như là phút giây cuối cùng…”

Và ngài quyết tâm thực hiện từng công việc nhỏ bé hằng ngày, từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với tình yêu lớn và biến những phút sống hiện tại thành những giây phút đẹp nhất cuộc đời, như ngài đã viết: “Mỗi chữ, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định… phải là những phút giây đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người mà đừng đánh mất một giây phút nào.” (Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận)

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy cố gắng thực hiện từng công việc bé nhỏ và từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với một tình yêu lớn.
Hy vọng khi những hy lễ bé nhỏ nầy được dâng lên cho Thiên Chúa mỗi ngày, Chúa Giê-su cũng sẽ rất hài lòng với lễ vật của chúng ta như Ngài đã đánh giá cao lễ mọn của bà góa nghèo năm xưa trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà



CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG
Lm. John Nguyễn

          Trong những ngày qua, trên các trang mạng nói nhiều về cuốn phim tài liệu có tựa đề là "Đừng Khóc Thương Tôi, Sudan". Thật sự, khi xem cuốn phim này, người xem phải rơi lệ khi nhìn thấy hình ảnh vị linh mục Gioan Lee Tae Suk và số phận của những con người nghèo đói và bất hạnh tại làng Tonj miền Nam Sudan thuộc Châu Phi. Cuốn phim này sẽ tham dự Đại hội điện ảnh lần thứ 61 tại Bá Linh vào năm 2013.

Được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, gồm có mười anh chị em, cậu bé Gioan Lee Tae Suk là người con thứ chín. Năm lên chín tuổi thì người bố qua đời, người mẹ vất vả tần tảo bằng nghề may vá để nuôi mười người con. Mặc dù là một đứa trẻ nghèo, nhưng Lee Tae Suk đã cố gắng học và thi đậu vào trường y khoa, và đã trở thành một bác sĩ y khoa. Con đường giàu sang và danh vọng đang mở rộng trước mặt với chàng trai Lee. Nhưng sau những năm phục vụ trong quân đội, chàng trai Lee đã cảm nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa và từ bỏ tất cả sự nghiệp để vào dòng tu Salêriêng- Don Bosco.

Sau ngày lễ truyền chức linh mục tại Vatican, cha Gioan Lee Tae Suk đã tình nguyện đến phục vụ tại Sudan. Nhìn thấy trước cảnh nghèo đói và bệnh tật của người dân, cha Gioan Lee đã mở phòng khám bệnh cho người nghèo và thành lập một ngôi làng cho những người mắc bệnh phong, để cấp thuốc và chữa trị cho người phong cùi và xây dựng một ngôi trường học đầu tiên từ cấp mẫu giáo đến cấp trung học. Đối với người dân nơi đây, cha Gioan Lee như là hiện thân của Chúa Giêsu. Ngài đến với những con người đang bị bỏ rơi, đau khổ và bất hạnh, và ngài là vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc đến phục vụ tại Phi Châu.

Trong cuốn tự truyện: “Các con là những người bạn của cha”. Cha đã dùng âm nhạc để xoa dịu những vết thương chiến tranh trong lòng các em. Khi tâm hồn những đứa trẻ bị tan vỡ do những vết thương chiến tranh tạo ra, qua âm nhạc, các em sẽ tìm được niềm vui và hy vọng trong một đất nước đã bị tàn phá do bởi chiến tranh. Trẻ em không còn cầm súng trên tay mà là những chiếc kèn mang lại những âm thanh của hòa bình, tình yêu và hy vọng.

Vào ngày 14 tháng 01 năm 2010, cha Gioan Lee đã đi về với Chúa, vì bệnh ung thư ruột già ở tuổi 48. Ngài phục vụ trọn vẹn cho những người đau khổ, bệnh tật, phong cùi, và nghèo đói tại Sudan. Cha Gioan đã ra đi trong nụ cười, còn những người ở lại đã đưa tiễn cha trong những giọt nước mắt của đau đớn và tiếc thương. Khi hay tin cha Lee qua đời, những người dân đã đau đớn vô cùng, họ ôm tấm ảnh cha Gioan khóc trong nghi thức tiễn biệt lần cuối tại ngôi Thánh đường. Những dòng nước mắt khóc thương cho một người cha đã yêu thương và sống chết với họ. Cha Gioan Lee là vị mục tử nhân lành của Chúa Giêsu.

Hoàn cảnh của cha Gioan Lee thì không giống bà góa nghèo trong Tin mừng hôm nay, nhưng có một điểm chung, đó là một tấm lòng. Chúa Giê-su ngồi nhìn dân chúng bỏ tiền vào thùng bố thí trong Đền Thờ. Có rất nhiều người giàu có xếp hàng để bỏ tiền vào. Người giàu có thì bỏ rất nhiều tiền, nhưng chỉ bà góa nghèo bỏ vào thùng với hai đồng tiền. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: " Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết. Vì mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân". Qua lời giải thích của Chúa Giê-su, các môn đệ và chúng ta đều nhận thấy rõ ý nghĩa của việc bố thí. Tấm lòng quý hơn lễ vật. Trong khi đó, người đời thường đánh giá theo số lượng. Mỗi khi dâng cúng hay làm điều gì thì cần được ghi danh và mọi người biết đến công trạng của mình. Cho nên, Chúa Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng: "Anh em hãy coi chừng những kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, thích đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.".

Vậy, những kinh sư là ai? Có phải là tôi không?. Lời Chúa phản chiếu vào tâm hồn tôi. Mỗi khi tôi làm gì, tôi muốn được người khác biết ơn, muốn được người ta biết mình là người quảng đại có lòng bác ái, từ bi..., và muốn được ghi công trạng với Chúa và trước mặt người đời. Nếu tôi biết hồi tâm và nhìn lại, thì rõ ràng tôi đang bị lệ thuộc vào cách đánh giá bên hơn là đi vào chiều sâu của nội tâm. Vì Chúa cần tấm lòng của tôi hơn là những gì tôi làm cho chính mình được vinh danh trong ngày hôm nay. Tấm lòng đó được thể hiện trong tình yêu thương nơi tha nhân, những người đang cần được yêu thương và quan tâm giúp đỡ, nơi công việc tôi làm với tấm lòng tạ ơn Thiên Chúa thì việc bố thí mới sinh lợi ích cho tha nhân. Bà góa đã dạy cho tôi cách làm đó, vì bà cho đi với tất cả tấm lòng của bà. Bà chia sẻ những gì bà có. Và cha Gioan Lee nhìn ra chính Chúa Giê-su trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm, xấu xí đến đâu đi nữa thì họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính tình yêu Thiên Chúa là động lực để ngài hy sinh và phục vụ cho những người phong cùi, những người bệnh tật và nghèo khổ.
         
Khi hiểu và đón nhận Lời Chúa, như là điều kiện cần thiết cho đời này và đời sau, thì giờ đây chúng ta cần phải làm một việc gì đó cụ thể, để Nước Chúa lớn lên trong tâm hồn và trong thế giới này. Chúng ta không chỉ đón nhận Thiên Chúa bằng hình thức bên ngoài, lễ nghi mà còn là bằng một tấm lòng yêu thương chân thành trong mỗi con người.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

HAI ĐỒNG KẼM VỚI LÒNG CHÂN THÀNH
Lm. Paul Nguyễn Nguyên

Sống ở đời, dường như người ta khen ngợi hay bày tỏ lòng biết ơn đối với một vị mạnh thường quân hay với một vị ân nhân thường hay dựa trên số lượng?. Bởi, nhìn trên các bảng vàng, bảng đồng treo ở các trường học, bệnh viện hay nhà thờ, dòng tu, đền đài, chúng ta thấy tên của quý ân nhân theo thứ tự dựa vào số lượng mà họ đã dâng cúng. Bảng tên nào to nhất, nằm ở chổ quan trọng nhất…thì đó là người dâng cúng nhiều nhất. Trong các bữa tiệc tri ân, người nào được xếp ngồi ở bàn VIP nhất, ngồi với những bậc vị vọng, nổi tiếng…thì ta biết ngay đó là người đã dâng cúng nhiều nhất.

Người đời là như thế và thích thế, nhưng Thiên Chúa lại không như vậy, Ngài không dựa trên số lượng để khen ngợi hay tặng thưởng cho ai, mà chỉ dựa vào phẩm lượng, tức là dựa trên tấm lòng thành của mỗi cá nhân mà thôi. Câu chuyện trong tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Thật thế, trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng vào Đền thờ, Chúa Giêsu đặc biệt chú ý đến người đàn bà goá bụa nghèo nàn. Dù chỉ với hai đồng tiền kẽm trị giá bằng một phần tư đồng bạc Rôma âm thầm rơi vào thùng. Ấy thế, mà Chúa Giêsu lại bảo đó là người đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Sở dĩ như thế là vì số tiền mà dòng người tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng Đền thờ là những đồng tiền dư thừa, họ bỏ vào nhưng không làm nghèo đi tài sản và thanh thế của họ mà nó còn tô thêm uy danh cho những kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà goá, trái lại, bà không cần biết ai đóng góp bao nhiêu, bà chỉ thấy có bổn phận đóng góp để tỏ lòng tôn thờ kính mến Chúa theo khả năng của mình. Bà không dâng những thứ dư thừa mà dâng những cái rất cần thiết để nuôi sống. Bà đã không màng đến thứ tài sản nay còn mai mất ấy, dù rằng, có thể số tiền đó chính là một ổ bánh mì, một lon gạo, một bó rau đủ để nuôi sống bà trong ngày hôm đó. Nhưng không, bà có bao nhiêu thì dâng cúng bấy nhiêu mà không hề lo đến tương lai, đến ban chiều, đến ngày mai sẽ ra sao, bà chỉ biết trao phó tất cả mạng sống mình cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi. Và Chúa Giêsu đã đề cao cử chỉ đẹp ấy.

Như vậy, đối với Chúa không phải lễ vật to, của lễ lớn mới làm vui lòng Chúa nhưng là tấm lòng đơn sơ, chân thành, phó thác, biết sống chọn lựa để dâng cho Chúa. Ngài cũng không chú ý đến số lượng, bề ngoài, dáng vẻ đạo đức, y phục, hay chỗ cao chỗ thấp trong Hội Đường, mà Ngài nhìn đến tấm lòng, cử chỉ đẹp, ý nghĩa của đồng tiền và thái độ của người dâng cúng. Bởi, điều Chúa nhắm tới là chia sẻ, chứ không phải làm phúc. Chia sẻ với người khác không những của dư thừa ta có mà còn cho đi cả những điều cần thiết ta có để khỏa lấp nỗi túng quẫn và đau khổ của con người, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn, thất vọng.

Thế cho nên, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy thay đổi tầm nhìn, cách sống, quan niệm của chúng ta đối với Chúa và với mọi người, hãy nhớ rằng: Chúa chấm công chúng ta không phải ở số lượng và hình thức bên ngoài nhưng ở lòng chân thành của chúng ta khi thi hành những việc đạo đức, nhất là việc thực thi bác ái. Chúa không bao giờ phụ người có lòng, Ngài luôn công bằng và sẽ đền bù gấp bội những gì chúng ta dám cho đi. Cho nên, đừng làm để được người khác đề cao khen thưởng, mà Chúa biết, Chúa thấy, đó mới là mục đích, đó mới là quan trọng. Chứ nếu được người ta ca tụng là đã lãnh phần thưởng rồi, và như thế có thể sẽ không còn công phúc trước mặt Thiên Chúa nữa.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái đến và ở lại với mỗi người chúng ta, mở lòng chúng ta ra để chúng ta tìm thấy cho mình động lực để từ nay chúng ta biết dâng hiến cho Chúa, không chỉ là tình cảm, công việc, sức khoẻ, thời giờ, khả năng mà là trọn cuộc sống cho chính Chúa. Để sau khi đã biết lắng nghe Lời Chúa, hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ được nghe Chúa nói với chúng ta: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc…”. Amen.
Lm. Paul Nguyễn Nguyên

DÂNG CHO CHÚA
PM. Cao Huy Hoàng

Nếu bà góa Sareptha không lấy chút bột, chút dầu nhỏ bé kia mà làm bánh cho Êlia ăn, thì mẹ con bà cũng chỉ ăn được trong ngày ấy mà thôi, rồi sẽ chết. Nhưng vì lòng tin và lòng quảng đại, bà nghĩ rằng: nếu ta không lấy chút bột chút dầu kia mà cứu người đang đói là Êlia, thì hẳn Êlia sẽ chết. Việc cần làm ngay là phải cứu người. Còn việc của mình: Chúa sẽ liệu lo.

Và khi bà đã thực hiện như lòng tin và quảng đại, phép lạ đã xảy ra, đó là, hũ bột không vơi, bình dầu không cạn, mẹ con bà không chết đói. “Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” ( 1 V 17, 15 – 16 ).

Thiên Chúa thật công bằng ! Và công bằng của Ngài không chỉ là trả lại vừa đủ cho ta những gì ta cho đi, mà còn trả lại gấp trăm.

Hình ảnh bà góa Sareptha được nhắc lại trong Tin Mừng theo Thánh Marcô, Nhưng ở đây, đồng tiền của bà góa, đồng tiền nuôi sống bà ta một ngày đời, được kể là đồng tiền có giá trị nhất trước mắt Thiên Chúa. Trong mắt những người bỏ tiền dâng cúng vào hòm, thì có thể họ khinh miệt bà góa ấy, hoặc họ chê trách bà ấy thà đừng bỏ vào hòm tiền thì hơn, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới nhìn thấu tận cõi lòng bà, hiểu được tấm lòng quảng đại của bà, vì đồng tiền ấy là cả sự nghiệp của bà. Bà không đợi đến lúc có dư ra 5 bảy đồng mới dâng cúng được một đồng, nhưng bà dâng ngay tất cả những gì mình có trong lúc cùng cực nhất, bế tắc nhất. Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống" ( Mc 12, 44 ).

- Có vài người không bao giờ xin lễ cho các linh hồn, vì cho rằng chưa có lúc nào nhà mình thong thả dư ra được vài chục nghìn.
- Cũng có người không thể dâng cúng cho công việc xây dựng Nhà Thờ, vì người ta dâng tiền triệu, há lẽ tôi lại dâng tiền trăm, tiền chục ngàn. Khó coi quá !
- Còn có người không thể giúp kẻ hoạn nạn, bởi vì cho rằng tôi còn chưa lo được cho tôi, nói gì đến chuyện giúp người.

Không phải tất cả như thế đâu. May quá, tôi tìm thấy trong danh sách công khai của cha Quang Uy về việc xin trợ giúp các trường hợp bệnh hoạn khẩn cấp của Trung Tâm Mục Vụ DCCT, có cả những người đã giúp 500 USD và cũng có người từng giúp 50.000 VND. Đành rằng có khoản nhiều hơn và ít hơn gấp 200 lần nhưng giá trị trước mặt Chúa không nằm ở những con số. 50.000 VND kia có thể là một ngày công của chị bán bắp, của cô bán xôi, của những người xa quê bán bánh tráng, lạc rang đi suốt một ngày mòn mỏi trên các ngõ phố.

Uống nước trước Bệnh Viện Tim Việt-Pháp, bạn có thể gặp cả trăm người từ miền Trung vào buôn bán nhỏ. Trước mắt tôi, một chị khoảng 45 tuổi, người Quảng Ngãi, bán bánh tráng, lạc rang, gặp người quen ở quê vào chữa bệnh tim cho con. Sau mấy câu thăm hỏi, chị dúi vào tay chị bạn 80.000 đồng: “Em gửi cho cháu vài hộp sữa. Cầm đi chị, mang tiếng vào Sàigòn làm ăn, nhưng một ngày của em chỉ được chừng ấy”. 80.000 so với ca mổ tim vài chục triệu thì có thấm vào đâu. Nhưng chị kia nắm tiền trong tay mà rưng rưng nước mắt. Tôi tò mò đi theo chị đã làm từ thiện dò hỏi, mới biết, chị vào trong nầy thuê nhà trọ ở chung với con gái đi học đại học. Một là “trông nom con gái, sợ xa cha mẹ ở đất Sàigòn này dễ hư lắm anh ạ”, hai là “kiếm thêm và để dành đóng tiền nhà và tiền học phí cho con”... “Mẹ con em quen ăn mì tôm rồi anh ạ. Ăn mì tôm vài hôm thì cũng dư ra được gần trăm ngàn”. Hỏi chị theo đạo nào, chị nói: “Nhà em không theo đạo nào cả, thờ Ông Bà”.

Như vậy, cũng có người chắt bóp giảm chi tiêu để có được chút gì mà giúp đỡ kẻ khác. Người ấy chắc chưa từng nghe những đoạn Lời Chúa hôm nay, nhưng tấm lòng của họ thật đáng quí. Người Công Giáo vẫn gọi họ là người “lương” đúng nghĩa lương thiện, tốt lành.

Còn người Công Giáo chúng ta thì sao ? Đoạn Tin Mừng về đồng tiền của bà góa nghe đi nghe lại nhiều lần trong đời, nhưng chúng ta vẫn chưa đem ra thực hành chỉ vì một lý do rất đơn giản: Chưa đủ tin vào quyền năng của Thiên Chúa, hoặc tồi tệ hơn, vì vẫn kiêu ngạo mà quá tin vào sức riêng của mình.

Ông C. tim bị hẹp động mạch vành, hay mệt và đã có lần thoát cơn tai biến nhờ cấp cứu kịp. Chị H. mới quen biết ông, nhưng nghe tin ông cần tiền thuốc hằng tháng, chị hẹn xin gặp và trao cho ông bì thư với 3 triệu đồng. Ông C. ngần ngừ không dám nhận. Chị nói: “Có người gửi cho em để giúp kẻ khó. Em đâu được giữ mãi cho em”. Thiết nghĩ đây chỉ là cách nói. Vừa cầm tiền về đến nhà, ông C. nghe tin có một cháu cạnh nhà đi làm về bị tai nạn, bệnh viện trên tỉnh chê rồi, chuyển Chợ Rẫy gấp. Ông C. sang nhà và trao ngay bì thư 1 triệu rưỡi. “Có người mới gửi cho cháu”. Về nhà, ông nghe tim mình nhịp đều những nhịp hạnh phúc.

Ước gì có nhiều người Công Giáo như chị H, như ông C. Những người luôn biết cho đi là những người hạnh phúc.

Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta được hạnh phúc nhờ ĐỨC TIN mà tín thác vào Đấng có thể ban cho chúng ta mọi sự cần. Ngài biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết chúng ta. Ngài lo lắng cho chúng ta nhiều hơn chúng ta lo lắng cho bản thân mình.
Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ “ở hiền, gặp lành” như chị bán bánh tráng, lạc rang, mà các Kitô hữu còn phải biết vượt lên trên cách sống tự nhiên ấy, để mỗi dâng cúng của ta cho người, là một lần minh chứng Đức Tin của chúng ta rằng Thiên Chúa luôn quan phòng gìn giữ những ai sống và thực thi ý muốn của Chúa.

Lời Chúa còn nhắc nhớ mỗi chúng ta đừng đánh giá sai lầm những cống hiến âm thầm, nhỏ nhoi, nhưng hãy xét lại những cống hiến của mình xem có phải đã cống hiến vì lòng tin, vì lòng quảng đại hay không.

Trong những cống hiến âm thầm cho nhân loại, tôi phải nghĩ tới những lời nguyện ít ai biết đến, không ai nghe, chẳng ai thấy của những kẻ đau khổ trên giường bệnh, cùng cực trên đường đời, bị áp bức trong nơi tù đày côi cút… Những lời nguyện ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa cách đáng trân trọng, để Thiên Chúa ban muôn hồng phúc cho mọi người.

Như chú thích cho sự dâng hiến của bà góa, của chúng ta, Thánh Phaolô nhắc đến việc Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” ( x. Dt 9, 24 – 28 ). Vậy mỗi lần chúng ta tín thác vào Thiên Chúa và sẵn lòng mất đi, sẵn lòng chia sẻ sự sống, niềm vui cho người khác, hẳn là chúng ta đang góp phần vào việc tiêu diệt các tội lỗi trong chúng ta để mỗi ngày chúng ta được xứng đáng lãnh hồng ân cứu độ hơn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi căn bệnh chần chừ, nghi ngại. Xin ban thêm Đức Tin cho chúng con, để chúng con biết tín thác vào lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa mà dâng hiến cuộc sống của chính mình cho Chúa, cho mọi người. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 9.11.2012

COI CHỪNG HÀNG GIẢ!
AM Trần Bình An

Theo một thống kê mới đây, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, 98% số hộ gia đình sử dụng nước mắm trong các bữa ăn. Tuy nhiên, rất ít người có thể phân biệt được nước mắm pha chế công nghiệp với sản phẩm được sản xuất theo cách truyền thống, do các chương trình quảng cáo, cũng như trên bao bì các sản phẩm, hầu như không thể hiện điều này.
Mặc dù xuất hiện sau, nhưng dòng sản phẩm nước mắm pha chế công nghiệp đang chiếm từ 60-70% thị phần trong nước. Các làng nghề nước mắm truyền thống đang phải vất vả cạnh tranh để tồn tại và ngày càng trở nên yếu thế.
Nước mắm pha chế công nghiệp là loại nước mắm không có vi sinh. Khi nước mắm không có vi sinh là nước mắm giả. Vì theo định nghĩa nước mắm là: Cá ướp với muối trong thùng gỗ, hay chum sành sau một thời gian, nhờ vi sinh kích thích lên men, cho ra một loại nước cốt (juice) gọi là nước mắm. Theo quy trình đặc biệt này, nước mắm là sản phẩm độc nhất vô nhị trên thế giới của Việt Nam. (SGTT)
Tuy nhiên hiện nay nước mắm pha chế công nghiệp đang lên ngôi, dù chẳng cần trang bị thùng chượp, hay chum vại,  khiến cho nước mắn chánh hiệu Phan Thiết, Phú Quốc đang phải đối diện nguy cơ phá sản và bị xóa sổ ngay chính trên quê nhà.
Bài tường thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng tha thiết cảnh báo cái thiệt giả về lòng đạo đức. Hôm nay, cũng có thể Người sẽ cảnh báo: “Coi chừng hàng giả”

Hàng giả lên ngôi
Tuy bề ngoài mẫu mã bắt mắt, quần áo à la mode, cũng tiếp thị phô trương rộng rãi, cũng được chào đón trang trọng, luôn xếp đầu bảng, luôn được thiên hạ ngưỡng mộ, nhưng trang bị toàn đổ giả từ trong đến ngoài, các vị kinh sư đã không thể dễ dàng lọt qua cặp mắt sắc sảo của Chúa Giêsu. Người phải cất tiếng cảnh báo mọi người phải coi chừng, kẻo bị lừa.
"Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.” (Mc 12, 38 -39)
Hàng giả, hàng gian, hàng nhái đó không những độc hại, nguy hiểm, mà còn nhẫn tâm vơ vét hầu bao, vốn đã lép xẹp của người nghèo khó, bần cùng, Không những tham lam vô độ, mà còn chuộng thói giả hình đạo đức. “Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.” (Mc 12, 38-40)

Hàng thật quý hiếm
Dẫu vậy, vẫn còn hàng thật quý hiếm khiêm tốn ẩn khuất đâu đó, cũng đang có nguy cơ biến mất trong cái xã hội đảo điên, chuộng đồ giả hơn đồ thiệt. Đó là người sống trung thành với Tin Mừng, nghèo khó, khiêm nhường, vâng phục, nhân ái, nhẫn nhục, tha thứ, hy sinh, tận hiến cho Chúa. Vì số lượng hạn chế, nên hàng thật càng trở nên quý hiếm!
“Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói:"Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”(Mc 12, 42-44)
Chúa Giêsu luôn lội ngược dòng đời, không a dua theo thói đời, không bao giờ chấp nhận trò ma mãnh, lọc lừa, dối gian, cũng không chịu khôn ngoan im lặng trước bất công, dù Người biết sẽ phải trả giá cho lời trung ngôn nghịch nhĩ, vì đã sẵn sàng hy sinh làm giá cứu chuộc con người.
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì Người không khen ngợi bà góa nghèo này, mà chính là ngậm ngùi, thương xót cho thân phận bọt bèo bị áp bức, bị bóc lột thậm tệ bới lớp người lãnh đạo, nhân danh bảo vệ Lề Luật. Các đấng bậc đã dạy bà phải "hy sinh hết mình" và đó là điều đáng tội nghiệp cho người nghèo khổ.

Thưởng phạt công minh
Không ngần ngại, Chúa Giêsu lên án đích đáng hàng giả.“Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn". Một thái độ dứt khoát, không tính toán hơn thiệt, đúng theo sự thật và công lý.
Trong khi thiên hạ cứ mãi khún núm, kính nể những người khoác bên ngoài cái mã hào nhoáng, bóng bẩy, se sua lụa là, cao sang quyền quý, thì Chúa Giêsu lại phớt lờ họ, không hề tỏ ra gần gũi, hay trọng vọng, vì Người không xem xét hời hợt bên ngoài, mà nhìn thấu suốt tâm can, tình cảm, tư tưởng và hành động, đủ biết họ thế nào.
Ngược lại, Người đặc biệt quan tâm đến những thân phận bần cùng, cơ hàn, thất thế, bịnh hoạn, đui mù, câm điếc, què quặt, xoàng xĩnh, bị rẻ rúng, bị đẩy ra bên ngoài lề xã hội, như bà góa bụa này, như anh mù Batimê, như bà cụ loạn huyết kinh niên, người phung củi, người quỷ ám..
Chúa Giêsu lý giải minh bạch công đức của bà góa nghèo nàn. Vì bà đã dám từ bỏ hoàn toàn, dám hy sinh cả vốn liếng nhỏ nhoi nuôi thân, chứ không phải của cải dư thừa như người giàu có:Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống". ( Mc 12, 44)
Người xác nhận việc công đức của bà góa có gía trị gấp ngàn, gấp vạn lần người dư giả:"Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc 12, 43)
Như vậy số lượng không thể so sánh với chất lượng, hình thức không thể sánh với nội dung. Những giá trị thế gian không thể sánh nổi giá trị thánh thiêng. Điều mà ngay người Kitô thời nay dễ quên, hay dễ lộng giả thành chân, dễ lẫn lộn giữa giá trị thế gian phù vân với giá trị Nước Trời viên mãn.
“Xin nước bà Samaritana, mượn lừa cỡi vào thành Giêrusalem, mượn thuyền ngồi giảng, mượn phòng lập Phép Thánh Thể, nhìn đồng tiền bà góa bỏ vào hòm cúng, chủ nhân đâu ngờ việc không đâu mà mình được hân hạnh đến thế! “(Đường Hy Vọng, số 825)

Lạy Chúa, xin cho con luôn sống thật thà, không giả hình, và mở rộng lòng con để trao ban quên mình, không chút do dự tính toán, như Chúa Giêsu đã hy sinh cả mạng sống cứu chuộc loài người.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con đừng vội phán đoán người khác qua vẻ bên ngoài, mà biết nhìn vào tâm hồn tha nhân, để thông cảm, tha thứ, chia sẻ và giúp đỡ trong tình bác ái của Chúa Giêsu Kitô, Amen.

AM Trần Bình An
TÍN THÁC
(Mc 12, 38-44)

Chúa ngồi đối diện hòm tiền,
Ngắm xem thiên hạ dùng tiền ra sao.
***
Lắm người bỏ số tiền to,
Nhưng kìa, bà goá nghèo xơ bỏ vào.
Nhẹ tênh chỉ có hai hào,
Chúa liền vẫy gọi nhanh nào lại xem.
Này đây thầy bảo anh em,
Những gì bà bỏ đáng khen hơn nhiều.
Bà đã bỏ hết tiền tiêu
Chẳng hề do dự hoặc điều phân vân
Cả ngay tiền để nuôi thân
Bà luôn tin tưởng mọi phần Chúa lo.
***
Chắp tay lạy Chúa quan phòng,
Giúp con chia sẻ đói no cùng người.
Mai ngày hưởng phúc Nước Trời,
Chúng con lại có hơn mười trần gian.

Lm. Pet Vĩnh Tiến


CHỚ QUÁ VỊ KỶ
(Mc 12. 38 - 44)

Vị kỷ thường xuyên chẳng vị tha,

Nhóm nhà Luật Sĩ thuở xưa xa.

Nghĩ mình thông thái mà khinh họ,

Coi họ dân ngu phải trọng ta.

Áo thụng thẻ bài khi dạo phố,

Chỗ ngồi ghế nhất lúc tham gia.

Giáo dân vững dạ nghe Lời Chúa,

Lòng mến tha nhân chẳng nhạt nhòa.

Thế Kiên Dominic
DÂNG CẢ GIA TÀI
(CN 32 TN-B, Mc 12,38-44)

Chúa quan sát xem hai cuộc sống
Người giầu sang hào phóng vô cùng
Nghèo hèn bà góa lạ lùng
Có vài xu nhỏ bỏ thùng ai hay

dâng tất cả gia tài kiệt cạn
không so đo tính toán để dành
trao ban dâng hiến thật nhanh
mừng vui hớn hở việc lành nở hoa

như bà góa giúp ta suy nghĩ
rất tầm thường nhưng rất phi thường
việc làm nhỏ bé khiêm nhường
sống tình bác ái Chúa thương gọi mời

đường nên thánh muôn người muôn cách
như Têrêsa thử thách gian nan
khổ đau đón nhận hân hoan
đơn sơ phó thác hoàn toàn cậy trông

dâng lên Chúa tấm lòng trìu mến
giầu thiêng liêng tìm kiếm sẵn sàng
đức tin cậy mến vững vàng
người nghèo khốn khổ kho tàng là đây.


Lm. Khuất Dũng sss

 
PHÚC PHẦN THIÊN THU
(Mc 12, 38 - 44)

Hãy coi chừng những kinh sư
Đi đâu áo thụng, hiền từ, chỉnh trang!
Kinh sách luôn miệng oang oang
Thích được chào hỏi giữa đàng, dám đông.
Tiệc tùng, cỗ nhất có ông
Chiếm ghế danh dự việc công luận bàn.
Ăn nói ra vẻ điệu đàng
Che đi lòng dạ kinh hoàng, xấu xa.
Nuốt trôi sản nghiệp các bà...
Đọc kinh cầu nguyện ê a hàng giờ.
Quan sát hòm cúng Đền Thờ
Người giầu bỏ thật nhiều tờ tiền to.
Có một bà goá gầy gò
Hai trinh tiền nhỏ đã cho hết lòng
Lòng Ngài trắc ẩn cảm thông
Nói với môn đệ: hãy trông việc này.
Đồng tiền nhỏ, nhiều lắm thay
Đó là tài sản hàng ngày nuôi thân.
Bà ta đã không ngại ngần
Rộng tay cho hết, phúc phần thiên thu.
Giầu có cho nhiều mặc dù
Đó là tiền lắm bạc dư bỏ vào.
Nguyện cầu Thiên Chúa trên cao
Cho con được sống dồi dào, thẳng ngay.
Yêu người như yêu chân tay
Uỉ an, đùm bọc, hàng ngày nguyện xin.

Đỗ Văn
 
ĐỒNG TIỀN THƠM THẢO
“Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng
nhiều hơn ai hết.”(Mc 12, 43)

Cha hoàn vũ tặng ban tất cả
Dò thấu lòng thấu dạ chính nhân
Cô nhi quả phụ cơ bần
Người luôn gần gũi ân cần xót thương

Chúa quan sát người dâng tiền cúng
Chợt thấy bà quả phụ khiêm cung
Bỏ hai đồng kẽm vào thùng
Ướp hương thơm thảo Tin Mừng Giê-su

Tuy vỏn vẹn phần tư xu nhỏ
Mà bao người giàu có thua xa
Gia tài tất cả dâng Cha
Cả điều cần thiết để bà độ thân

Con dâng Chúa cuộc đời tận hiến
Sớm mai hồng đã nguyện xin vâng
Can-vê hiến lễ chiều dâng
Hai đồng xu nhỏ ngàn lần tiến Cha.

Chúa khen ngợi việc làm nhỏ bé
Trong khiêm nhu dâng hiến trao ban
Yêu người mến Chúa tỏa lan
Thiên đàng vinh phúc ngập tràn hân hoan.

Nt. Bích Ngọc

HAI TRINH QUÍ GIÁ
(CN 32 TN B – Mc 12, 38-44)

Ai đã bỏ vào thùng nhiều nhất?
Cảnh người người tất bật ra vào
Giàu nghèo là chính kẻ nào
Góp chung nhiều ít ra sao Chúa tường.

Bà góa nghèo đáng thương rón rén
Bỏ vào thùng vỏn vẹn hai trinh
Chúa nhìn thấu suốt chân tình
Hai trinh đáng giá hơn nghìn đồng kia.

Vì kẻ khác đem chia của cải
Bạc dư thừa chẳng phải lo toan
Áo cơm dư giả hỉ hoan
Còn bà góa ấy hoàn toàn hiến dâng.

Người quí giá tinh thần quảng đại
Sẵn cho đi chẳng ngại đói no
Thương người giúp đỡ lắng lo
Rộng lòng bác ái hiến cho mọi người.

Bao lộc thánh vui tươi đón nhận
Nguyện ra đi quyết dấn thân thôi
Ra đi đến tận chân trời
Đem hồng ân Chúa cho đời thắm tươi.

Scholastica


LÒNG TIN THÀNH TÍN
(CN XXXII TN-B - Mc 12, 38-44)

Giữa đền thánh đám đông dâng cúng
Bà góa nghèo đang túng cũng dâng
Hai đồng tiền kẽm ân cần
Mà trong mắt Chúa bội phần lớn lao.

Đồng tiền nhỏ ngọt ngào sự sống
Xây đền thờ mở rộng đạo lành
Kính trao tất cả tâm thanh
Quý hơn bạc tỷ hư danh phong trào.

Áo xúng xính ưa chào giữa cổng
Cỗ nhất ngồi tâm rỗng giả hình
Nuốt tài sản, nới thẻ kinh
Chúa thương con nguyện kính tin chân thành.

Cửa trời đóng đói hành khắp xứ
Ê-li-a ngôn sứ mạnh tin
Bánh thơm bà góa hy sinh
Bình dầu hũ bột đầy tình Chúa thương.

Hai bà góa an nương ơn thánh
Một lòng tin vững mạnh sắt son
Hiến dâng Chúa sự sống còn
Đơn sơ tín thác vuông tròn lễ dâng.

Chiên Thiên Chúa một lần tế lễ
Của lễ và thượng tế chính Ngài
Chúa Ki-tô hướng tương lai
Lòng tin thành tín trải dài thánh ân.

Cát Vàng

HAI ĐỒNG TIỀN

Lời Chúa phán hãy coi chừng luật sĩ
Bọn giả hình dùng từ mỹ thanh cao
Ưa dạo quanh xính bộ thụng vào
Nơi hội đường thích ngồi cao danh dự

Và chỗ nhất trong tiệc tùng chúng ngự
Chúng nguyện cầu làm bộ ở thật lâu
Chúng bóc lột những bà góa khổ sầu
Bọn kinh sư chúng gối đầu tội lỗi

Nay trần gian những con người cằn cỗi
Sống điên cuồng trong bóng tối cao sang
Điều từ tâm nhân ái chúng chẳng màng
Thương nghèo khó sống lang thang rách đói

Những kẻ nghèo miệng câm không tiếng nói
Sống cơ hàn không học thói bon chen
Gia đình ấm êm dẫu phận thấp hèn
Dâng lên Chúa những tháng ngày đen tối

Như bà góa với hai đồng dâng cúng
Cả gia tài hơn một thúng tiền dư
Kinh sư kia bóc lột chẳng khước từ
Thân góa phụ phận hèn như giẻ rách

Chúa con ơi trần gian muôn ngỏ ngách
Dẫu biết rằng dù đói rách cho thơm
Nhưng thói đời vẫn so sánh thiệt hơn
Làm sa ngã những tâm hồn trong trắng

Nơi luyện hình bao linh hồn cay đắng
Sám hối tội tình vượt thắng thế gian
Mong ngày đoàn viên ca khúc trở về
Bên chân Chúa Mẹ vỗ về hạnh phúc

Vincent Khánh Trần
MỘT TẤM LÒNG
(Mc 12, 38-44)

Người nghèo ở thời nào
Cũng bị xem rẻ rúng
Là những kẻ khốn cùng
Sống bên lề xã hội

Từng chiều qua rất vội
Bóng tối về phủ quanh
Cuộc sống sao momg manh
Xót xa lòng góa phụ

Nhẩm đếm từng đồng xu
Cho cuộc đời quạnh quẻ
Giữa dòng người lặng lẽ
Bà dâng cúng đền thờ

Không tính toán mù mờ
Bà cúng dâng tất cả
Dẫu mai đời vất vả
Cuộc sống lại tay không

Lòng bà chỉ ước mong
Cho đi cả tấm lòng
Chỉ một niềm hi vọng
Vào Thiên Chúa tình yêu

Dù cảnh đời phong nhiêu
Vẫn muốn cho đi tất cả
Cho đi không xót xa
Từ tấm lòng yêu mến

Chúa ơi, này con đến!
Xin dâng trọn tấm lòng
Dâng cả niềm ước mong
Không tị hiềm trống rỗng

Không khoe khoang danh vọng
Rất chân thành đơn sơ

9/11/2012
Song Lam


PHÚC THIÊN ĐƯỜNG
(32 TN-B)


Có những lúc đường đi thật cô đơn
Con thao thức nghe tiếng Chúa trong hồn
Ước mong được yêu thương và dâng hiến
Sống chân thật không toan tính thiệt hơn

Yêu thương sẽ được yêu thương
Thanh bần mua phúc thiên đường
Hy sinh đời thắm sắc hương
Trao ban nhận về hạnh phúc
Như xưa Chúa đã yêu thương
Đơn nghèo đi hết con đường
Yêu thương Thập giá hiến thân
Quê hương là phúc thiên đường

Những Thánh Giá cần trong đời yêu thương
Bao hoa gấm danh tiếng biết xem thường
Dẫu thanh bần trao ban vì yêu mến
Phúc thiên đàng xin ơn Chúa dủ thương

Những khúc hát lời ru dệt câu kinh
Con khao khát vì thiếu vắng an bình
Ước mong được trao ban và dâng hiến
Sống chân thật con vươn tới niềm tin

9-11-2012
Hương Sion
 
BÀI HỌC DÂNG HIẾN
CN XXXII TN-B – (Mc 12, 38 – 44)

Yêu thương tình Chúa nồng nàn,
nhìn người giữa cảnh ngổn ngang cuộc đời.
Người nghèo thân phận tả tơi,
dịu dàng ánh mắt trao lời cảm thông.
Bà góa lạc giữa đám đông,
bé nhỏ, tiều tụy giữa dòng nhân sinh.
Phận nghèo chỉ có “hai trinh”,
gia tài bé nhỏ, khối tình lớn lao.
Tấm lòng quảng đại biết bao,
cho đi tất cả ngọt ngào tình yêu.
Chúa nói: “Bà đã cho nhiều”,
từ cái túng thiếu, tiêu điều, hiến dâng.
Chúa nhìn thấu suốt lương tâm,
Trái tim Mục Tử từ nhân thấu tình.
Thế gian chuộng thói giả hình,
xúng xính áo thụng, cầu kinh lâu giờ.
Dọc đàng hay giữa đền thờ,
thích được sùng bái thích chờ nêu tên.
Thích được ăn trốc ngồi trên,
hội đường, đám tiệc chỗ riêng cho mình.
Công đức thích được tôn vinh,
nêu danh, xướng họ công trình nhỏ to.
Thừa tiền, dư bạc vẽ trò,
tưởng rằng tích lũy cả kho Nước Trời.
Nay Chúa cảnh báo, nhắc lời,
coi chừng hàng giả một đời tiêu vong.
Lời Chúa khai trí, mở lòng,
Noi gương bà góa thắm nồng con tim.
Dẫu đời bảy nổi ba chìm,
tấm lòng quảng đại hy sinh giúp người.
Yêu thương trao tặng cho đời,
vòng tay nhân ái, nụ cười thân thương.
Đơn sơ, nhỏ bé, khiêm nhường,
ngọn đèn đức ái soi đường chứng nhân.
Buồn vui sướng khổ đường trần,
trao nhau ánh mắt tình thân ngập tràn.
“Hai trinh” bà góa nghèo nàn,
còn hơn kẻ có bạc vàng vô tâm.
Bài học dâng hiến lặng thầm
dạy con biết sống thành tâm với đời.
Cho đi, nét đẹp con người …

08/11/2012 - Monica Lệ Thi
ÁNH MẮT GIÊSU
CN XXXII TN-B – (Mc 12, 38 – 44)


Ánh mắt tình thương Chúa lặng thầm,

trái tim Mục Tử vẫn quan tâm.

Chiên con lạc lối, đời cô độc,

bà góa bên đường, phận tủi thân.

Thấu suốt cảm thông, lòng quảng đại,

thiết tha yêu mến, dạ từ nhân.

Thương người bác ái, lòng khiêm tốn,

chúc phúc ngợi khen, hưởng phúc phần.

08/11/2012
Hạt Nắng

 
BÀI HỌC CHO ĐI
CN XXXII – TN-B – (Mc 12, 38 – 44)
Trái tim Chúa từ nhân đầy trắc ẩn,
hằng quan tâm đến số phận nghèo hèn.
Nơi đền thờ, người dâng cúng đua chen,
lại để mắt đến người mọn hèn góa bụa.
Kẻ giàu sang, cúng dâng nhiều tiền của,
chỉ riêng bà, như hạt lúa đơn sơ.
Cảnh bần hàn, thân tiều tụy, bờ phờ,
hai đồng kẽm, hiến dâng, nhờ hồng phúc.
Chúa nhìn thấu tâm can, lòng công đức,
đã cho di, vượt định mức nơi bà.
Cả gia tài, trong cuộc sống bôn ba,
lòng quảng đại của bà, bao la hơn tất cả.
Chúa cảnh tỉnh môn sinh, hành vi giả,
tính tham lam nuốt cá bé đơn côi.
Nơi đám tiệc, thích chỗ nhất được ngồi,
nơi phố xá thích được chào mời, sùng bái.
Khoác áo thụng, thích vòng qua lượn lại,
lúc cầu kinh, thích lải nhải dài lâu.
Tài sản của người nghèo, chỉ tìm cách gom thâu,
giả nhân từ thiện, thích đi đầu dâng cúng.
Thói phô trương, thích người đời ca tụng,
tiền bạc bỏ ra, phải nêu đúng họ tên.
Tấm bằng ân nhân, cứ như tấm vé thần tiên,
cửa trời rộng mở, mặt vênh vênh tự đắc.
Bà góa nghèo, đồng tiền còm góp nhặt,
biết cho đi, với bản chất chân thành.
Dẫu biết rằng, cuộc sống sẽ mong manh,
đường sinh kế, sẽ chòng chành, khốn đốn.
Chúa nêu gương, bà góa nghèo khiêm tốn,
biết hy sinh, tâm hồn thật thanh cao.
Đã dạy con bài học biết thương trao,
cho đi vì lòng mến, ngọt ngào tình nhân ái.
Chúa nhìn con, có sẵn sàng quảng đại?
dám quên mình sống bác ái yêu thương?
Chứng nhân Tin Mừng, con phải sống nêu gương,
khiêm nhu, từ bỏ, bước theo đường thập giá.
Biết cho đi, một tình yêu cao cả,
cho đi như Ngài, như bà góa, hôm nay.
Xin Chúa thương thánh hóa con từng ngày,
bỏ thói giả hình,
hy sinh quảng đại,
đắp xây đời hạnh phúc.

09/11/2012 - Bâng Khuâng Chiều Tím
BÀI CA HIẾN DÂNG
CN XXXII TN-B – (Mc 12, 38 – 44)


Chúa không muốn con, làm những công trình vĩ đại,
Chúa chẳng đòi con, thực hiện những việc cao siêu.
Mà Ngài hỏi con, bác ái con có bao nhiêu,
tình yêu có cho đi nhiều,
những điều con làm cho Chúa,
những việc cống hiến cho tha nhân.

Trái tim thiết tha, bà góa thông công góp phần,
đồng tiền nuôi thân, góp nhặt thầm lặng hy sinh.
Gia tài “hai trinh”, cần thiết cuộc sống mưu sinh,
bà dâng tất cả chân tình,
Chúa nhìn thấu lòng nhân ái,
nơi bà, gương sáng cho tha nhân.

Ôi! Của lễ hy sinh, của người nghèo túng,
đồng tiền mưu sinh của kẻ khốn cùng.
Chúa nhìn thấu suốt tâm can,
thắp lên ngọn đèn soi sáng.
Ôi! Ánh mắt lưu tâm của Người Mục Tử,
nồng nàn yêu thương chiên nhỏ bên đường.
Chúa đã chắp cánh bay cao,
kết thành bài ca hiến dâng.

Chứng nhân đức tin, Lời Chúa sáng soi cuộc đời,
khả năng nhỏ nhoi, tấm lòng phục vụ mến thương.
Dãi dầu phong sương, vượt thắng vững chí kiên trung,
niềm tin rắc gieo Tin Mừng,
chân thành sống tình bác ái,
quảng đại, như Chúa yêu tha nhân.

08/11/2012 - Nắng Sài Gòn
TÍN THÁC
CN XXXII TN–B  – (Mc 12, 38 – 44)


Giữ uy tín dối lừa che mặt nạ,
đã hằn sâu trong bụng dạ đời con.
Sống ung dung, tự mãn, khéo tô son,
tự ru ngủ,
đánh bóng mình,
bằng những hành vi đạo đức.

Con đau khổ sợ người chê bất lực,
nên cố trèo địa vị phải thật cao.
Sợ đời chê thân thế chẳng đáng tự hào,
con may dài tua áo,
đọc kinh lâu giờ,
để che đậy tâm hồn trống rỗng.

Bài học Chúa dạy hôm nay,
đưa con vào cuộc sống,
cách nhìn người cùng lối sống đạo của con.
Đừng xét đoán người qua dáng ngọc cung son,
đừng tâng bốc kẻ giàu sang,
đừng chạy theo kẻ quyền cao chức trọng.

Biết nhìn đời bằng con tim rung động,
yêu thương người nghèo hèn,
quan tâm người bé nhỏ đáng thương.
Tiều tụy dáng hình một nắng hai sương,
chân thật, đơn sơ dám cho đi tất cả.

Bà góa nghèo hôm nay,
Chúa khen và nêu cao danh giá,
đã cho đi những thứ cần thiết đời mình.
Một trái tim vàng biết quảng đại hy sinh,
Chúa thấu suốt tâm hồn,
cảm thông bao nỗi niềm trắc ẩn.

Bài học giả hình đề cao danh phận,
kiêu ngạo, khoe khoang,
bủn xỉn, thấp hèn.
Lừa dối chính mình, lừa dối cả anh em,
Chúa lên án gắt gao,
loại người giả nhân giả nghĩa.

Bài học hôm nay con ngậm ngùi rút tỉa,
dâng lên Chúa cuộc đời,
hiện tại lẫn tương lai.
Tín thác vào Chúa cuộc sống ngày mai,
cam đảm bỏ nốt đồng xu cuối cùng,
nguồn bình an diệu vợi,
trong sự quan phòng của Chúa.

Ánh mắt Chúa nhìn con nồng nàn truyền ánh lửa,
đốt cháy những bụi trần còn vướng đọng trong con.

A.P Mặc Trầm Cung
 

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang