Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Sự vắng mặt người cha gây trở ngại cho sự hiểu biết của con trẻ về Thiên Chúa

Vatican (CNA/EWTN News) – Trong buổi Triều yết chung thứ Tư hàng tuần hôm 23/05 trước 20.000 tín hữu hành hương ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đưa ra huấn từ rằng những người làm cha vắng mặt trong gia đình mình sẽ gây khó khăn hơn cho con trẻ của họ nhận biết về Thiên Chúa như một người cha yêu thương.

Ngài nhận định: "Có lẽ con người hiện đại không cảm nhận được vẻ đẹp, sự cao quý và niềm an ủi sâu sắc trong từ 'cha', từ mà chúng ta hướng đến Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, vì nhân vật người cha thường không hiện diện đầy đủ trong thế giới ngày nay, và thường không hiện diện tích cực một cách đầy đủ trong đời sống hàng ngày".


Ngài nhấn mạnh rằng "vấn đề một người cha không hiện diện trong đời sống của con trẻ là một vấn đề lớn của thời đại chúng ta" bởi vì nó có thể gây khó khăn cho những đứa trẻ này "hiểu chiều sâu ý nghĩa đối với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha".

Tại Hoa Kỳ, hơn một phần ba trẻ em sống tách rời với cha ruột của chúng.

Suy tư của Đức Thánh Cha tập trung vào hai đoạn văn Thánh Phaolô nói về Chúa Thánh Thần cho phép mọi người có thể gọi Thiên Chúa bằng từ thân mật 'Abba', sau đó ngài tiếp tục giới thiệu loạt suy tư về vai trò của cầu nguyện trong câu chuyện cứu độ.

Trong thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô đã viết rằng "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: 'Áp-ba, Lạy Cha!'". Thánh Phaolô cũng đã viết cho tín hữu Rôma, "anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: 'Áp-ba! Lạy Cha!'"

Đức Thánh Cha lưu ý rằng từ "Abba" được dùng trong gia đình bằng ngôn ngữ Aram cũng được Chúa Giêsu sử dụng "ngay cả tại thời điểm bi thảm nhất của cuộc sống trần gian của Ngài," do đó chứng minh rằng Ngài "không bao giờ mất niềm tin nơi Chúa Cha và luôn luôn khẩn cầu Cha bằng sự thân mật của người con yêu dấu".

Tương tự như vậy, qua Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng trở thành người con trai, con gái yêu dấu của Thiên Chúa, "dự phần bằng cách được nhận làm nghĩa tử trong tình con thảo đời đời của Chúa Giêsu".

Trong đoạn văn được chọn, Đức Thánh Cha giải thích Thánh Phaolô cũng chứng minh rằng "lời cầu nguyện Kitô hữu không bao giờ theo một hướng duy nhất từ chúng ta lên Thiên Chúa". Thay vào đó, nó là "một biểu hiện của mối tương quan lẫn nhau, trong đó Thiên Chúa luôn luôn hành động trước tiên".

Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta trò chuyện với Cha trong lời cầu nguyện, thậm chí thinh lặng hay riêng tư, chúng ta không bao giờ một mình, vì "chúng ta nằm trong lời cầu nguyện to lớn của Giáo Hội, chúng ta là một phần của bản giao hưởng tuyệt vời mà cộng đoàn Kitô hữu khắp mọi nơi và mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha giảng dạy rằng đó là "lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần soi dẫn" làm Kitô hữu kêu lên "Abba! Lạy Cha!" cả "với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô". "Nó làm cho chúng ta dự một phần vào bức tranh khảm vĩ đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tất cả mọi người có một vị trí và vai trò quan trọng, hiệp nhất sâu sắc về mọi thứ".

Đức Thánh Cha kết luận huấn từ của ngài bằng cách đề nghị những người hành hương nên học cách đánh giá cao vẻ đẹp của việc trở nên bạn hữu, hay đúng hơn là con Thiên Chúa" và kêu cầu Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện "với sự tự tin và lòng tin tưởng của con trẻ xưng hô với cha mẹ, những người yêu thương mình".

Sau đó, Đức Thánh Cha dẫn dắt những người hiện diện trong buổi triều yết hát lời Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh trước khi ban phép lành tông đồ của ngài.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang